Sở hữu trí tuệ - Nền tảng quan trọng trong đổi mới, sáng tạo

Sở hữu trí tuệ - Nền tảng quan trọng trong đổi mới, sáng tạo

Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đang cần trợ lực để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Nguồn:Báo Hậu Giang

SHTT giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, quyền SHTT đã trở thành nền tảng, động lực quan trọng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực đổi mới, sáng tạo. Từ đó, hình thành tài sản trí tuệ để góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tìm ra cách giải quyết những vấn đề toàn cầu. Đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “SHTT đã trở thành một dòng chảy mà tất cả các nước trên thế giới đều phải tuân thủ. Nếu doanh nghiệp muốn gia nhập, ký kết, có bạn hàng, thu hút đầu tư, thu hút khoa học và công nghệ, chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ, tăng cường lưu thông trong nội địa và xuất nhập khẩu,... đều phải nhắc đến cụm từ “SHTT””.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động đổi mới sáng tạo đang ngày càng diễn ra sôi nổi. Trong đó, việc phát triển tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài, dự án đang ngày càng được quan tâm, thực thi. Năm 2023, trường có 14 hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT, 9 quyết định chấp nhận đơn từ Cục SHTT. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học được xác lập quyền SHTT còn khá khiêm tốn so với số lượng đề tài, dự án mà trường đã và đang nghiên cứu.

Do đó, để tăng cường việc chuyển giao và nhân rộng các tài sản trí tuệ. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần có thêm nhiều trợ lực trong giai đoạn tới.

Trợ lực để thực thi hiệu quả

Công ty TNHH xuất nhập khẩu BB Quốc tế là doanh nghiệp chuyên phân phối, xuất nhập khẩu mũ bảo hiểm, đồ bảo hộ cho người đi xe ô tô, xe gắn máy. Là chủ quản thương hiệu Bulldog, Ego và phân phối độc quyền các thương hiệu quốc tế như LS2, Yohe, Zeus tại Việt Nam, công ty rất quan tâm, chú trọng việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm của mình từ rất sớm. Tuy vậy, công ty vẫn phải trải qua nhiều lần tranh chấp, giải trình,… để bảo vệ thương hiệu của mình.

Bà Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH xuất nhập khẩu BB Quốc tế, chia sẻ: “Hãy xem việc đăng ký SHTT là một khoản đầu tư nhỏ, lợi ích to trong tương lai. Chúng tôi mong muốn sắp tới, các sở khoa học và công nghệ, Cục SHTT tuyên truyền và tổ chức các buổi đào tạo kiến thức SHTT. Mỗi thời kỳ đều có những khó khăn nhất định, sự hướng dẫn, trợ giúp làm đúng từ Nhà nước, sở, ban, ngành sẽ giúp chúng tôi tự tin phát triển doanh nghiệp”.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205 Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Tại Hậu Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang tiếp nhận đề nghị hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn. Đồng thời, tiếp nhận phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tập huấn kiến thức cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ việc quan tâm, đẩy mạnh việc thực thi quyền SHTT, kỳ vọng đây sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

Báo Hậu Giang
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang