Bản quyền và những thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo
Tuy nhiên, pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung vẫn chưa có các quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với các tài sản được tạo ra từ AI. Vì thế, nguy cơ xảy ra các tranh chấp bản quyền và các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn, và các ngành chức năng sẽ gặp phải thách thức không dễ giải quyết trong quá trình xử lý các vụ việc.
Từ phía Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), TS. Nguyễn Văn Cương cho rằng, liên quan đến vấn đề sở hữu và các quyền tài sản, quyền nhân thân đối với lĩnh vực AI, có hai khía cạnh cần quan tâm.
Thứ nhất, là quyền sở hữu đối với dữ liệu đầu vào. Theo đó, dữ liệu được xem là “dầu mỏ” hoặc “nguyên liệu” không thể thiếu đối với các hệ thống AI. Vì thế, các quy định pháp lý liên quan cần xem xét quyền lợi của bên tạo ra dữ liệu (công dân, tổ chức, doanh nghiệp…) và các doanh nghiệp khai thác dữ liệu cần chia sẻ lợi ích với bên cung cấp dữ liệu đầu vào.
Vấn đề pháp lý này, theo ông Cương, hiện nay vẫn chưa được quy định rõ ràng trong luật pháp ở nhiều quốc gia. Do đó, tới đây, việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu do công dân, tổ chức, doanh nghiệp làm ra cần được thực hiện. Trong đó bao gồm cả vấn đề quyền tác giả (đã được bảo hộ) cũng như các quy định xử lý vi phạm nếu bên sử dụng dữ liệu vi phạm bản quyền.
Khía cạnh thứ hai là vấn đề chủ sở hữu đối với thông tin đầu ra (tác phẩm, sản phẩm do AI tạo lập). Hiện nay, luật pháp nhiều nước cũng chưa công nhận AI là đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế, việc xác định quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm do AI tạo lập là khá phức tạp.
Trên thực tế, hiện nay OpenAI là doanh nghiệp cung cấp hệ thống ChatGPT quy định, người sử dụng hệ thống AI này có quyền tái sử dụng những sản phẩm đầu ra mà ChatGPT cung cấp cho bất cứ mục đích nào, trong đó có cả việc cho xuất bản và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về nội dung mà ChatGPT tạo ra theo câu lệnh của mình. Tuy nhiên, nếu thông tin, tác phẩm do ChatGPT tạo ra có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì người sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm. Vì thế, nếu không có các quy định pháp lý cụ thể thì sẽ rất khó để xử lý các vụ việc khiếu kiện liên quan đến bản quyền.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia pháp luật tại các trường đại học và công ty luật cho rằng, sau các vụ kiện lớn liên quan đến bản quyền tác phẩm do AI tạo sinh (như: vụ kiện của New York Times đối với Microsoft và OpenAI năm 2023; vụ kiện của nhóm tác giả tệp dữ liệu Books3 với Tập đoàn NVIDIA, năm 2024), nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quan tâm xây dựng các quy định pháp lý về bản quyền trong ứng dụng công nghệ AI.
Tại Việt Nam, hiện nay xu hướng ứng dụng các hệ thống AI vào sản xuất, kinh doanh đang phát triển nhanh. Vì thế, theo LS. Vũ Thị Bích Hải (Đại học Văn Lang), các bộ, ngành chức năng và cơ quan lập pháp có thể nghiên cứu, xem xét các phương án pháp lý bảo hộ bản quyền đối với tác phẩm tạo ra bởi AI từ các tổ chức quốc tế như EU và các quốc gia bắt đầu hoàn thiện nhóm chính sách này như Ấn Độ, Anh, New Zealand… để xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Đối với phương án xem xét công nhận quyền tác giả là AI, luật sư Hải cũng cho rằng Việt Nam nên tham khảo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật để xây dựng những tiêu chí cụ thể khi đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trước mắt, theo LS. Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật TGS), việc chuẩn hóa pháp lý khái niệm trí tuệ nhân tạo cần được thực hiện trước. Sau đó đưa ra lộ trình luật hóa các quy định về tác phẩm tạo ra bằng AI, tác giả và chủ sở hữu; thời hạn bảo hộ bản quyền cũng như triển khai hệ thống đăng ký bản quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ.