Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Thưa ông, Việt Nam đã ký và tham gia 17 FTA, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 FTA và khuôn khổ kinh tế. Vậy, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang đặt ra cho các thương hiệu Việt hiện nay như thế nào?
Việc 17 FTA đã được ký kết, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 FTA và khuôn khổ kinh tế cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: SHTT
Cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) có mức độ cao hơn so với các cam kết tương ứng trong hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2005 và trở thành thành viên chính thức của WTO vào tháng 1/2027. Điều này tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng đặt ra nhiều thách thức.
Về cơ hội, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam có được sự bảo hộ cao đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo liên quan đến đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì, nhất là nhãn hiệu giúp cho việc phát triển thương hiệu hiệu quả ở thị trường nước ngoài là những nước thành viên của các FTA.
Theo cam kết trong các FTA, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp ngày càng minh bạch, công bằng và hợp lý hơn, nhất là doanh nghiệp có thể thực hiện nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Đồng thời, có thể thực hiện quyền phản đối đơn hoặc có ý kiến đối với các đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nộp ở nước thành viên các FTA đơn giản và dễ dàng nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình ở thị trường nước ngoài.
Đoàn Sở KHCN tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên kiểm tra vùng trồng sâm nam núi Dành sau khi được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, hiện sản phẩm đã từng bước xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: TH
Cùng với đó, cơ chế xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng nghiêm minh và hiệu quả hơn… Hơn nữa, cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao sẽ là môi trường tốt, có khả năng thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng của các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ trong nước và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam vì giá thành sản phẩm có thể sẽ cao hơn do các chi phí liên quan đến bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc không ít hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào công nghệ được bảo hộ của nước ngoài, nhất là công nghệ cao. Nhưng bù vào đó, doanh nghiệp sẽ có hàng hóa/dịch vụ tốt, ổn định và được đảm bảo bền vững hơn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt ở thị trường nước ngoài.
Theo ông, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò thế nào trong xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế?
Để phát triển được sản phẩm, vươn ra các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp không chỉ cần chất lượng tốt mà còn cần xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Điều này đòi hỏi thương hiệu được xây dựng dựa trên nhãn hiệu đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài. Việc đăng ký nhãn hiệu để phát triển thương hiệu là đảm bảo pháp lý có tính tiên quyết cho thương hiệu, trên cơ sở đó cạnh tranh một cách hiệu quả, uy tín và bền vững với các thương hiệu khác tại các thị trường nước ngoài.
Đoàn công tác của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) làm việc với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vải thiều tại Lục Ngạn vào tháng 3/2024. Ảnh: Thu Hường
Chúng ta đã biết, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ, cụ thể là chỉ được bảo hộ tại những nước mà nhãn hiệu đã được đăng ký và được chấp nhận bảo hộ. Vì vậy, một trong những việc mà doanh nghiệp nên cân nhắc thực hiện ngay khi có dự định mở rộng thị trường ra nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa là thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu cho sản phẩm tại thị trường xuất khẩu đích của mình. Việc không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu kịp thời ở nước ngoài, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp Việt, điển hình là việc doanh nghiệp khác đã đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt mất khả năng xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu của mình vào thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp khác đã đăng ký.
Chú trọng đăng ký bảo hộ sớm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của mình ở các nước xuất khẩu sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, khi hưởng sự độc quyền đối với thương hiệu của mình, theo đó không chỉ được sử dụng mà còn có thể cho phép người khác sử dụng, hay ngăn cấm người khác sử dụng thương hiệu của mình. Điều quan trọng nữa là khi thương hiệu (nhãn hiệu) đã được bảo hộ tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp có quyền chống lại các hành vi xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của các doanh nghiệp khác liên quan đến thương hiệu (nhãn hiệu) của mình. Qua đó, doanh nghiệp Việt có thể bảo vệ được uy tín của mình trên thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu (nhãn hiệu) cũng giúp cho doanh nghiệp Việt tránh được rủi ro có thể do vô tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của cá nhân, doanh nghiệp khác tại thị trường nước ngoài. Đồng thời, tránh tốn kém nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để theo đuổi các vụ việc pháp lý, nhất là khiếu kiện tại tòa án ở nước ngoài, gây thiệt hại về tiền bạc, cơ hội và uy tín ở thị trường nước ngoài. Nhiều thương hiệu Việt Nam đã có chiến lược đúng hướng và kịp thời trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở nước ngoài, ví dụ như Viettel, Traphaco, Trung Nguyên, Trung Thành, Vinamilk, Sao Thái Dương…
Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý khi phát triển thương hiệu Việt tại thị trường quốc tế là cần chú trọng nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, kịp thời xác lập quyền sở hữu trí tuệ và khai thác hiệu quả độc quyền của mình để bảo vệ, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình tại các thị trường nước ngoài.
Vậy doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì để có thể phát triển và đứng vững trên thị trường sau khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thưa ông?
Luôn theo dõi thị trường để sớm phát hiện các thương hiệu khác sử dụng nhãn hiệu trùng hay tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình, có biện pháp cần thiết ngăn chặn để đảm bảo tính phân biệt cho thương hiệu của mình. Cần thường xuyên và đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với thương hiệu (nhãn hiệu) để đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả mạo về nhãn hiệu.
Đoàn công tác của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản và Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá vùng trồng vải thiều Lục Ngạn vào tháng 3/2024. Ảnh: Thu Hường
Bên cạnh đó, cần đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường nhằm giữ vững uy tín cho hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu. Song song với đó, quan tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nhất là cá biệt hóa hàng hóa, dịch vụ để phù hợp nhất với các thị trường khác nhau (ví dụ hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo...), góp phần phát triển thương hiệu.
Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm mới, hoàn thiện sản phẩm đã có tăng tính cạnh tranh, kết hợp với việc gắn với thương hiệu của doanh nghiệp nhằm tăng cường phát triển thương hiệu.
Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên quan tâm đến người tiêu dùng ở nước ngoài, cập nhật thông tin và nâng cao nhận thức của họ về hàng hóa, dịch vụ của mình, cũng như truyền thông tốt về thương hiệu của mình.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đưa các nội dung sở hữu trí tuệ (tạo lập, đăng ký, sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong và ngoài nước, trước tiên là cập nhật vào chiến lược kinh doanh của mình.
Một điểm quan trọng nữa là doanh nghiệp thường xuyên nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn từ các cơ quan chuyên môn để triểu khai tốt và hiệu quả các hoạt động sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cũng cần tăng cường hợp tác, kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan như cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hiệp hội, đơn vị tư vấn…