Toạ đàm khoa học: Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Toạ đàm khoa học: Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Vào sáng ngày 20/8, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã diễn ra Tọa đàm khoa học với Chủ đề: "Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ". Tọa đàm đã mang tới nhiều kiến thức giá trị.

Nguồn:Tạp chí Sở hữu trí tuệ

Tọa đàm có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ; Bà Nguyễn Nguyệt Dung, Tổng Thư ký Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam; TS. Nguyễn Hữu Xuyên – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ.

Về phía trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có PGS.TS. Trần Văn Hải – Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Khoa, nguyên Trưởng Khoa Khoa học Quản lý, nguyên Trưởng Bộ môn sở hữu trí tuệ; TS. Trịnh Văn Định – Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học Nhà trường... Đặc biệt, tọa đàm có sự góp mặt của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, luật sư, thầy cô giáo, nghiên cứu sinh và các em sinh viên.

toa dam3

Tọa đàm khoa học “Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 

Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, TS Hoàng Lan Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế mà còn là một yếu tố chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Chat GPT, Blockchain… đã tạo ra những cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

Các vấn đề về bảo hộ và thực thi SHTT trên môi trường số như thực trạng xâm phạm quyền SHTT trên mạng Internet; việc bảo vệ quyền SHTT, giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến SHTT trong môi trường thương mại điện tử… đã và đang được đặt ra; việc bảo hộ đối với các thành quả sáng tạo do AI tạo ra cũng là vấn đề đang được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới; việc quản trị tài sản trí tuệ, khai thác những giá trị kinh tế từ các tài sản trí tuệ cũng như việc hoàn thiện các chính sách về SHTT, xây dựng văn hoá SHTT hay xây dựng hệ sinh thái SHTT… cũng là những nội dung then chốt để góp phần phát triển hệ thống SHTT.

Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT được đưa ra trong Quyết định 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 thì việc nghiên cứu, trao đổi những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT hiện nay là những hoạt động có ý nghĩa và mang tính cấp thiết.

Do đó, Tọa đàm khoa học “Những vấn đề đương đại trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm tạo ra môi trường học thuật với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các luật sư trong lĩnh vực SHTT sẽ đóng góp những góc nhìn khách quan nhằm đưa ra những gợi mở để hoàn thiện hệ thống SHTT để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Toạ đàm đã có 21 bài tham luận (trong đó có 02 bài tham luận được viết bằng Tiếng Anh) của các tác giả là các chuyên gia, giảng viên và các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực SHTT đến từ các trường Đại học tại Việt Nam như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại 2học Luật Hà Nội; Trường Đại học Luật - Đại Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Luật - Đại học Huế; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Khoa Luật Kinh tế - Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cũng như các nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực SHTT như Cục SHTT, Viện Khoa học SHTT, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và công nghệ).

Đặc biệt, Toạ đàm còn nhận được sự quan tâm tham gia viết bài tham luận của các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT đến từ các công ty luật, các tổ chức về SHTT như: Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins (Việt Nam), Công ty Luật TNHH Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam (BMVN); Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế… đã đem lại những góc nhìn đa dạng và thực tế của những người thực hành nghề trong lĩnh vực SHTT trước những vấn đề của thời đại.

TS Hoàng Lan Phương cũng cho hay căn cứ vào định hướng chủ đề Tọa đàm khoa học, nội dung của các tham luận tập trung nghiên cứu, thảo luận một số chủ điểm:

Pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ

TS Hoàng Lan Phương nhấn mạnh trải qua quá trình hội nhập quốc tế, pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam tương đối hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu khi tham gia Hiệp định thương mại tự do đồng thời là nền tảng quan trọng để đảm bảo rằng các sáng tạo trí tuệ được bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả. Luật SHTT năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022) đã đặt những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về SHTT của nước ta đồng thời có tác động tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ và đáp ứng được với các cam kết quốc tế về SHTT mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng như các yêu cầu của thực tiễn hiện nay thì việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về SHTT là một đòi hỏi tất yếu.

Các bài tham luận tại Toạ đàm cũng đã chỉ ra được thực trạng pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay và việc thực thi pháp luật trong thực tiễn, phân tích được một số điểm bất cập trong Luật SHTT đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật của các quốc gia trên thế giới để đưa ra các giải pháp để hoàn thiện pháp luật, bao gồm các khía cạnh như: bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; bảo hộ nhãn hiệu ba chiều; thực trạng pháp luật bảo hộ sáng chế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; việc áp dụng biện pháp hình sự trong thực thi quyền SHTT tại Việt Nam; chuyển giao quyền SHTT; hạn chế chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp; giải quyết tranh chấp SHTT bằng phương thức hoà giải từ thực tiễn nước Anh và xứ Wales và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Tác động của khoa học & công nghệ tới việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Chat GPT… đã và đang làm thay đổi cách thức bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Những công nghệ này không chỉ mở ra những cơ hội mới cho quá trình đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra những thách thức mới đối với hệ thống SHTT hiện hành.

Các bài tham luận trong Toạ đàm đã tập trung khai thác về chủ đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) như: việc ảnh hưởng của thông minh nhân tạo (AI) tới đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế; “trình độ sáng tạo” của sáng chế do trí tuệ nhân tạo tạo nên; hoặc chủ đề về việc ứng dụng công nghệ trong bảo hộ và thực thi quyền tác giả. Song song với việc phát triển của khoa học và công nghệ thì việc bảo vệ quyền SHTT trên môi trường thương mại điện tử và trên mạng Internet cũng là vấn đề được quan tâm.

Sự phát triển của các nền tảng trực tuyến đã tạo ra những cơ hội mới cho việc phân phối và sử dụng các sản phẩm trí tuệ, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ xâm phạm quyền SHTT. Các bài tham luận của Toạ đàm cũng tập trung nghiên cứu vào các nội dung trên như: bảo vệ quyền SHTT đối với chương trình phát sóng bóng đá trên Internet; thực thi quyền SHTT trong nền kinh tế trực tuyến: góc nhìn từ hoạt động livestream trong thương mại điện tử; vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; bản án hình sự đầu tiên tại Việt Nam đối với xâm phạm bản quyền trực tuyến… để chỉ ra được những cơ hội và thách thức trong việc bảo vệ quyền SHTT trong thời đại kinh tế số hiện nay.

Bảo hộ tri thức truyền thống

Tri thức truyền thống và tài sản văn hóa của các cộng đồng bản địa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng văn hóa. SHTT có thể là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ và khai thác giá trị của tri thức truyền thống, giúp các cộng đồng bản địa có thể hưởng lợi từ sự phát triển của tri thức truyền thống và bảo vệ tri thức truyền thống khỏi bị chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích.

Hai bài tham luận của Toạ đàm đã tập trung phân tích việc bảo hộ tri thức truyền thống: tiếp cận từ chính sách bảo hộ phòng thủ đến tích cực và bảo hộ tri thức truyền thống trong lĩnh vực văn hoá sáng tạo thông qua thiết lập hệ thống thông tin quản lý quyền tác giả tại Việt Nam đã góp phần đưa ra những tiếp cận nhiều chiều trong việc bảo hộ vấn đề này.

Quản trị và thương mại hoá các tài sản trí tuệ nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo

Bằng việc quản trị và khai thác những giá trị thương mại của các tài sản trí tuệ, SHTT có thể giúp các cộng đồng và doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, từ đó tạo ra lợi nhuận và cải thiện đời sống của cộng đồng. Các bài tham luận trong Toạ đàm 4 cũng tập trung đánh giá về vai trò của SHTT với việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát huy vai trò của SHTT trong việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn Thành phố Hà Nội; việc quản trị tài sản trí tuệ với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; việc định giá tài sản trí tuệ trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo…

Tạp chí Sở hữu trí tuệ
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang