Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh thương mại điện tử ngày càng gia tăng

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh thương mại điện tử ngày càng gia tăng

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh thương mại điện tử ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi.

Nguồn:Tạp chí Chất lượng Việt Nam

Kết quả đấu tranh của lực lượng QLTT cho thấy, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa giảm. Tuy nhiên các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả trong công tác kiểm tra và xử lý 11 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 65.881 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 437 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 203 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 201 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng thu nộp ngân sách nhà nước trên 518 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, hàng hóa vi phạm không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.

Kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Đặc biệt, các lọai hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào nội địa. Hoạt động này diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… 

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước qua kênh TMĐT tăng dần về quy mô, số vụ việc với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Tuy nhiên, việc xử lý hành chính chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả đem lại cho các đối tượng. 

Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh TMĐT thường được tổ chức rất chặt chẽ, bí mật như một vòng tròn khép kín từ địa chỉ cung ứng đến người tiêu dùng. Các đối tượng thường sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Thực tế thời gian qua lực lượng chức năng các tỉnh đã liên tiếp phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ buôn bán hàng giả, hàng lậu trên kênh TMĐT.

Cụ thể, tại tỉnh vĩnh Phúc, Cục QLTT đã từng thu giữ gần 25.000 sản phẩm nhập lậu bán qua kênh thương mại điện tử của tài khoản có tên “Nguyễn Kiên…”. Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 3.500 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu CASE.PRO; 7.500 chiếc ốp điện thoại di động MADE IN CHINA; 6.000 chiếc miếng dán cường lực nhãn hiệu KINGKONG GLASS. Tổng trị giá hàng hóa là 205.500.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Tại tỉnh Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1993, thường trú tại tỉnh Cà Mau làm chủ, phát hiện tại đây có khoảng 10 tấn hàng hoá là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm được bán theo hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội. 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 18 phối hợp với Công an xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra Điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại xã Đông Thạnh do ông T. H. M. làm chủ nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra tạm giữ 11.590 cái đĩa đá cắt các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chào bán qua Zalo, trị giá 59.930.000 đồng. Tiếp tục rà soát việc kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong thương mại điện tử, ngày 14/10/2024 Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện Hộ kinh doanh N. T. K. kinh doanh thiết bị điện qua Zalo nên đã phối hợp Công an xã Nhị Bình kiểm tra và tạm giữ 9.300 sản phẩm chóa đèn, đuôi đèn và ổ cắm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 53.800.000 đồng.

Tại tỉnh Tây Ninh, vào ngày 23/10, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh triệt phá thành công hai điểm kinh doanh vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, thu giữ hơn 3.680 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả trên mạng. Số hàng hóa bị tịch thu gồm nhãn, bao bì giả mạo, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc, với tổng trị giá ước tính khoảng 292 triệu đồng. 

Trước tình trạng hàng giả, hàng lậu gia tăng, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, để ngăn chặn việc định danh cá nhân người bán hàng là giải pháp căn cơ, cần thiết và nên thực hiện sớm. Có những nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng các tài khoản gmail. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng rất cần thiết bởi vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo và số điện thoại ảo thậm chí là tài khoản ngân hàng cũng ảo… chính vì thế, việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng là cũng có gặp nhiều khó khăn. Và việc này chúng tôi cũng đã có nhiều lần kiến nghị đối với các đơn vị chủ quản và quản lý đối với lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT đề xuất, phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng TMĐT, mà điều đặc biệt định danh ở đây là chúng ta không phải chỉ định danh một cách đơn thuần và định danh điện tử mà chúng ta phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hoá, định danh được số lượng hàng…

Tạp chí Chất lượng Việt Nam
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang