Tên miền “.vn” tăng trưởng mạnh
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), từ năm 2011 đến nay, tên miền “.vn” liên tục là tên miền quốc gia (ccTLD) có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh việc khẳng định vị trí đứng đầu trong khu vực ASEAN, tên miền “.vn” đang vươn ra khu vực châu Á. Trong bảng khảo sát các ccTLD có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á do Tổ chức quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APTLD) công bố, tên miền “.vn” liên tiếp nhiều năm đứng trong top 10. Theo số lượng thống kê từ VNNIC, tính đến tháng 10.2016, đã có 106.140 tên miền đăng ký mới trong năm, tăng 112% so cùng kỳ năm trước. Một thống kê liên tục trong 5 năm (2012 - 2016) cho thấy, tên miền “.vn” có sự tăng trưởng bền vững, ngày càng được sự tin tưởng của người sử dụng. Tính đến tháng 10.2016 tổng số tên miền không dấu “.vn” tích lũy trên hệ thống là khoảng 328.526 tên miền.
Trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức quản lý tên miền “.com” và “.net” toàn cầu (Verisign) có khoảng 7,9 triệu tên miền đã được đăng ký thêm trên internet trong quý II.2016, nâng tổng số tên miền đã được đăng ký lên gần 334,6 triệu trên toàn thế giới, bao gồm tất cả các tên miền cấp cao. Ngoài các tên miền được ưa chuộng, phổ biến như “.com”, “.net” thì các tên miền có tên “.xyz” với 6,7 triệu được đăng ký, “.top” với 4,8 triệu và “.win” với gần 1,2 triệu tên miền. Mới đây, tên miền “.shop” công bố đăng ký ngày 26.9.2016 trên 151 quốc gia, tuy mới ra mắt nhưng sự hấp dẫn của nó đã khiến lượng đăng ký đạt hơn 100.000 tên miền (tính đến hết năm 2016).
Khẳng định thương hiệu trực tuyến
Kinh doanh trên mạng (thương mại điện tử) là xu hướng đang phát triển và bùng nổ trên thế giới. Tại Việt Nam xu hướng này biểu hiện rõ nét, qua việc tính đến ngày 31.12.2016 trên cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới và 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động… Tuy nhiên có thể nhận thấy, tên miền là tài sản hữu hạn của mỗi quốc gia, những tên miền ngắn gọn, dễ nhớ và phổ biến như: “.vn”, “.com”, “.net” đang dần cạn kiệt. Trước thực tế ấy, một số tên miền mới với ưu điểm là giá rẻ như: “.shop”, “.top”, “.xyz”… đang được ưa chuộng và có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Riêng với tên miền “.shop”, tính đến giữa tháng 12.2016, Việt Nam đã có 1.647 tên miền được đăng ký, xếp thứ 9 trên tổng 151 quốc gia đăng ký.
Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tên miền có giá trị và lợi ích to lớn gắn với website của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm quy mô, chi phí tiếp thị, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt dần khẳng định thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Dẫu nguồn tài nguyên một số tên miền quốc gia đã dần cạn kiệt nhưng sự xuất hiện của một số nhà cung cấp tên miền mới, giá rẻ hơn đang tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký tên miền mới, phù hợp với nhu cầu kinh doanh… Khi doanh nghiệp, cá nhân đã sở hữu một tên miền, theo Trưởng đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội Đặng Thúy Hà cho rằng, các đơn vị cần phải thiết kế website làm sao thật nổi bật, bắt mắt…, trong đó cần phải làm nổi bật giá trị hình ảnh nhận diện thương hiệu nhưng cũng phải bảo đảm dễ sử dụng, dễ thao tác trong hoạt động giao dịch mua bán… Việc dễ dàng sử dụng, thao tác trong giao dịch là điều kiện quan trọng nhất để khách hàng quyết định có nên tiếp tục giao dịch khác hay không.
Về vấn đề tranh chấp tên miền, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải tự tìm hiểu tình hình thực tế, nắm chắc quy định luật pháp, linh hoạt trong cách ứng xử để tự bảo vệ quyền lợi đến thương hiệu và tên miền của mình. Việc đăng ký nhãn hiệu, tra tên miền và đăng ký, sử dụng tên miền là rất cần thiết nhưng chưa đủ mà cần phải được bảo vệ một cách đồng bộ, nhất quán. Nhãn hiệu mặc dù đã là đặc trưng của doanh nghiệp, song, doanh nghiệp cũng cần sớm đăng ký quyền chủ sở hữu của tên miền có chứa từ khóa tương đồng với nhãn hiệu. Đối với trường hợp đã đăng ký tên miền cũng cần phải tiến hành đồng thời với việc bảo hộ nhãn hiệu cùng tên.
Qua số liệu khảo sát cho thấy, sự chênh lệch tên miền giữa các địa phương ngày càng gia tăng. Ví dụ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu với trên 140 nghìn tên miền, trong khi các địa phương tiếp theo như Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng đều dưới 6.300 tên miền. Điều này về lâu dài ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Mặt khác, để kích cầu thương mại điện tử về nông thôn góp phần tiêu thụ nông sản, VECOM nhận định việc thúc đẩy, phát triển tên miền gắn với website đồng đều giữa các địa phương là một trong những hoạt động trọng tâm thời gian tới. Theo ĐBND |