Giá vàng giảm mạnh khi nhà đầu tư rút khỏi tài sản trú ẩn sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran. Thị trường chuyển hướng sang các tài sản rủi ro.
Thị trường tài chính đã có sự chuyển hướng rõ rệt khỏi vị thế phòng thủ vào thứ Ba, khi các nhà giao dịch đổ dồn vào các tài sản rủi ro ra sau khi Israel và Iran đạt được thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc cuộc đối đầu quân sự kéo dài 12 ngày từng làm gia tăng căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Thỏa thuận đình chiến mong manh này có hiệu lực từ sáng thứ Ba, ban đầu đối mặt với nhiều nghi ngờ khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm. Tổng thống Mỹ DonaldTrump đã can thiệp, và cuối cùng thỏa thuận được củng cố khi giới chức hai nước tái khẳng định cam kết tuân thủ, với điều kiện có sự đáp trả tương xứng.
Thị trường phản ứng nhanh chóng và dứt khoát, cho thấy niềm tin cao vào tính bền vững của thỏa thuận hòa bình. Giá vàng tương lai đã đảo chiều mạnh, giao dịch thấp hơn khoảng 60 USD so với mức đóng cửa ngày 13.6 – thời điểm Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tính đến 15h47 giờ ET, giá vàng tương lai giảm 57,7 USD, tương đương 1,70%, xuống còn 3.336,5 USD/ounce – gần như xóa sạch toàn bộ phần tăng do xung đột gây ra trong hai tuần qua.
Diễn biến giá vàng thế giới những phiên giao dịch gần đây. Biểu đồ: Phan Anh
Các tài sản trú ẩn khác cũng sụt giảm, dù không mạnh bằng vàng. Giá bạc kỳ hạn mất 0,33 USD (tương đương 0,92%) xuống còn 35,85 USD/ounce – lần đầu tiên dưới ngưỡng tâm lý 36 USD kể từ ngày 6.6.
Đồng USD, dù là một tài sản trú ẩn điển hình, cũng suy yếu đáng kể. Chỉ số ICE US DollarIndex giảm 0,90% xuống còn 97,88 – gần chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm qua.
Sự chuyển dịch ồ ạt từ tài sản phòng thủ sang tài sản rủi ro thể hiện rõ nhất ở thị trường cổ phiếu, với các chỉ số chính tăng mạnh. NasdaqComposite vọt 1,58% lên mức 22.225, tiệm cận hoặc chạm đỉnh lịch sử. S&P 500 tăng 1,19%, còn DowJones tăng 1,25%, cho thấy sự lạc quan lan tỏa rộng khắp các ngành.
Sự thay đổi toàn diện trong tâm lý thị trường lần này không chỉ đơn thuần là phản ứng giải tỏa sau xung đột, mà còn phản ánh kỳ vọng về giai đoạn chấp nhận rủi ro mới khi bất ổn địa chính trị lắng dịu.
Việc tái phân bổ vốn này có thể tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý trong ngắn hạn, khi nhà đầu tư ưu tiên chuyển sang các tài sản tăng trưởng từng bị né tránh trong thời gian căng thẳng leo thang.