Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, bất động sản xanh đang dần trở thành một xu hướng tất yếu tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Lê Dung - Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu Tư, Savills Hà Nội - nhận định, bất động sản xanh dần trở thành xu hướng đầu tư mới. Ảnh: Savills
Tình hình đầu tư bất động sản xanh tại Việt Nam
Những tòa nhà thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng không chỉ là đòi hỏi từ người tiêu dùng mà còn là một phần trong chiến lược phát triển đô thị hiện đại.
Theo báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 do hệ thống chứng nhận Edge và Tổ chức tài chính quốc tế IFC công bố, đến nay, Việt Nam có 559 công trình được chứng nhận xanh với hơn 13,6 triệu m2 diện tích sàn xây dựng đã đạt chứng nhận công trình xanh theo các chứng chỉ phổ biến như EDGE, LEED, và GreenMark. Một số chủ đầu tư tiên phong đã lựa chọn phát triển các dự án văn phòng, chung cư cao cấp theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Tuy nhiên, so với tổng nguồn cung bất động sản trên thị trường, tỉ lệ các dự án đạt chứng nhận xanh vẫn còn khiêm tốn. Phần lớn thị trường vẫn ưu tiên bài toán chi phí đầu tư ban đầu hơn là giá trị vận hành và sử dụng lâu dài. Điều này cho thấy, bên cạnh sự cải thiện rõ rệt về nhận thức, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi hành vi đầu tư và tiêu dùng theo hướng bền vững.
Dù chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, đặc biệt trong việc cân đối giữa chi phí ban đầu và hiệu quả dài hạn, nhưng xu hướng lựa chọn công trình xanh đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản và người tiêu dùng - mở ra nhiều tiềm năng cho một thị trường phát triển xanh, bền vững trong tương lai gần.
Thách thức trong tiếp cận vốn phát triển dự án xanh
Một trong những rào cản đối với các chủ đầu tư khi muốn phát triển dự án xanh là chi phí ban đầu cao hơn so với công trình thông thường. Điều này đến từ yêu cầu thiết kế kỹ thuật cao hơn, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, cũng như các hệ thống công nghệ tiết kiệm năng lượng, nước và xử lý chất thải.
Trong bối cảnh đó, tín dụng xanh trở thành một “cầunối” quan trọng để có thể hỗ trợ chủ đầu tư trong việc phát triển công trình xanh như kỳ vọng. Tín dụng xanh là khoản tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mục đích bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái chung. Đây là khoản tài chính cho phát triển bền vững và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng trong việc đầu tư tín dụng xanh. Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều tổ chức tín dụng áp dụng. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới sử dụng đồng thời nhiều chính sách để khuyến khích tín dụng xanh.
Tại Việt Nam, ngành ngân hàng trong thời gian qua đã tích cực thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các ngân hàng thương mại đã bước đầu triển khai nhiều hoạt động cụ thể như xây dựng quy trình và triển khai gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp có dự án xanh.
Tuy nhiên, phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam còn đối mặt một số hạn chế như: Chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở cho việc phân bổ tín dụng hiệu quả và huy động vốn đầu tư xanh; Một số tổ chức tín dụng vẫn thiếu chính sách nội bộ và bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường; Các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí cao, trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ nguồn vốn dài hạn ưu đãi.
Do những tồn tại hiện có, không phải chủ đầu tư nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh. Thực tế là phần lớn các ngân hàng thương mại tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể xây dựng và áp dụng các tiêu chí rõ ràng để phân loại và đánh giá dự án xanh. Một số tổ chức tài chính lớn đã bắt đầu đưa ra sản phẩm tín dụng ưu đãi cho các dự án đáp ứng tiêu chí môi trường.
Tồn tại trong hoạt động cho vay phát triển dự án xanh
Một vấn đề tồn tại hiện nay là thiếu một bộ tiêu chí quốc gia rõ ràng để đánh giá một công trình được coi là “xanh”. Điều này chưa tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc định hướng thiết kế và xây dựng, cũng như cho ngân hàng trong quá trình thẩm định và giải ngân vốn vay ưu đãi. Việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như LEED hay EDGE là cần thiết, nhưng vẫn cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, vật liệu và năng lực thi công của Việt Nam.
Để khuyến khích phát triển bất động sản xanh, một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện là điều cần thiết.
Trước hết, cần có một bộ tiêu chí quốc gia về công trình xanh, do cơ quan nhà nước ban hành để có thể phù hợp với đặc thù tại thị trường Việt Nam. Đây là nền tảng giúp đồng bộ hóa các chính sách từ thiết kế, cấp phép, cho đến tiếp cận tín dụng. Đặc biệt có thể cân nhắc tới chính sách ưu tiên cấp phép nhanh cho các dự án có yếu tố xanh bền vững.
Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế tài chính hỗ trợ như Quỹ đầu tư xanh quốc gia, cung cấp vốn vay ưu đãi hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án đạt tiêu chí xanh.
Các ngân hàng thương mại cần được khuyến khích và hỗ trợ về mặt kỹ thuật để xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh, cùng với khung tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng.
Thứ ba, tăng cường vai trò truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích dài hạn của công trình xanh. Khi người tiêu dùng bắt đầu coi trọng yếu tố bền vững, thị trường sẽ tạo áp lực ngược lại, buộc các chủ đầu tư phải thay đổi chiến lược.
Có thể thấy, bất động sản xanh không chỉ là xu thế của tương lai mà đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc của hiện tại. Việt Nam đang có những bước tiến tích cực trong việc tiếp cận và phát triển lĩnh vực này.