Trong phiên đấu thầu liên chính phủ (G2G) trực tuyến ngày 9/6, các công ty từ bốn nước châu Á là Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn cung cấp khoảng 300.000 tấn gạo cho Philippines, theo một chương trình ký kết cung ứng gạo G2G được triển khai lần đầu tiên sau khi Philippines thực hiện chính sách tự do hóa ngành lúa gạo.
Tại phiên đấu thầu trên, các doanh nghiệp từ bốn quốc gia châu Á này đã đưa ra các gói thầu cung cấp loại gạo 25% tấm, với mức giá tham khảo là 497,62 USD/tấn khi cập bến tại các cảng Manila, Cebu, Tacloban, Zamboanga và Davao.
Dự kiến, 150.000 tấn đầu tiên sẽ được giao trước ngày 14/7, số còn lại sẽ được giao trước ngày 14/8.
Chính phủ Philippines sẽ chuyển cho Tập đoàn Thương mại Quốc tế Philippines (PITC) khoản tiền trị giá 7,45 tỷ peso (149 triệu USD) để mua lượng gạo trên.
Với gói thầu gạo đầu tiên có khối lượng 174.000 tấn nhập cảng Manila, Liên đoàn gạo Myanmar đã đưa ra mức bỏ thầu thấp nhất là 489,25 USD/tấn nhưng chỉ bỏ thầu 33.000 tấn.
Trong khi đó, công ty của Việt Nam là Vinafood 1 đưa ra mức giá cao hơn là 530 USD/tấn với khối lượng 129.000 tấn.
Còn Bộ Ngoại thương Thái Lan đã bỏ thầu với mức giá cao nhất là 541 USD/tấn nhưng với đề nghị cung ứng toàn bộ khối lượng gạo tại cảng Manila.
Còn tại gói thầu thứ hai tại cảng Cebu có khối lượng 42.000 tấn, Liên đoàn tiếp thị hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Ấn Độ có giá thầu thấp nhất là 484,70 USD/tấn cho toàn bộ khối lượng này. Trong khi đó, giá bỏ thầu của Myanmar là 494,25 USD/tấn, Việt Nam là 530 USD/tấn.
Đối với gói thầu 15.000 tấn tại cảng Tacloban, phía Ấn Độ cũng có giá thầu thấp nhất là 485,70 USD/tấn so với mức 530 USD/tấn của Việt Nam.
Tuy nhiên, phía Ấn Độ chỉ đề nghị cung cấp một nửa khối lượng được đấu thầu.
Ấn Độ cũng đưa ra mức thấp nhất là 484,70 USD/tấn, thấp hơn nhiều mức 530 USD/tấn của Việt Nam tại gói thầu 24.000 tấn ở Zamboanga.
Gói thầu thứ 5 tại Davao với 45.000 tấn cũng ghi nhận sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Tại đây, phía Ấn Độ vẫn có giá thầu thấp nhất ở mức 485,70 USD/tấn với một nửa khối lượng, trong khi phía doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức 497,20 USD/tấn.
Đến thời điểm này, PITC vẫn chưa đưa ra quyết định chọn nhà thầu nào.