Tòa án chung châu Âu đã bác bỏ kết luận của Ủy ban châu Âu trước đó cho rằng Apple được hưởng ưu đãi 13 tỉ euro (gần 15 tỉ USD) tiền thuế từ chính phủ Ireland.
Theo CNBC, Apple đã thắng kiện trước Ủy ban Châu Âu (EC) trong vụ kiện liên quan đến 13 tỉ euro tiền thuế tại Ireland.
Tòa án chung châu Âu cho rằng EC đã không thể đưa ra bằng chứng đủ thuyết phục rằng chính phủ Ireland đang trao cho Apple một lợi thế về thuế. Trước đó vào năm 2016, EC từng kết luận Ireland đã cấp cho Apple những lợi thế về thuế và yêu cầu thu hồi 13 tỉ USD.
Ở thời điểm đó, đảo quốc cho phép Apple trả ít thuế hơn so với các doanh nghiệp khác trong nhiều năm: 1% trên lợi nhuận từ 2003 và chỉ còn 0,005% bắt đầu từ năm 2014.
Ireland, Apple và EC có quyền kháng cáo trong 2 tháng tới. Nhiều khả năng, vụ việc sẽ được đưa lên tòa án cao nhất tại EU.
Phía EC khẳng định tổ chức sẽ tiếp tục xem xét và đánh giá các doanh nghiệp xem họ có nhận được ưu đãi bất thường từ các chính phủ hay không. Tổ chức này khẳng định sẽ nghiên cứu kĩ các trường hợp để đưa ra những động thái mới.
"Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tòa án. Họ đã xem xét kĩ bản án và hủy kết luận của EC. Cổ phiếu Apple đã tăng 2% ngay sau đó", đại diện Apple tuyên bố.
Vụ việc Apple có thể tạo tiền lệ cho các trường hợp tương tự. Kết luận của Tòa án có thể tác động tới cách EU đối phó với các công ty hoạt động tại châu Âu trong vấn đề thuế má.
COVID-19 khiến nhiều quốc gia EU gặp khó về vấn đề tài chính. Thuế sẽ là một công cụ hữu hiệu trong bối cảnh nhiều chính phủ đẩy mạnh chi tiêu.
Trong bối cảnh này, nhiều tranh cãi nổ ra về việc liệu châu Âu có nên bổ sung thêm loại thuế "kĩ thuật số" áp lên các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ hay không. Loại thuế này sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các tập đoàn công nghệ so với các doanh nghiệp truyền thống.
"Bất kể các công ty đến từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc, điều đó không quan trọng bằng sự công bằng của hệ thống thuế", Arancha Gonzalez, bộ trưởng bộ Ngoại giao Tây Ban Nha chia sẻ.
Quan điểm của một số nước EU, trong đó có Tây Ban Nha muốn đánh thuế các công ty công nghệ lớn đã vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Mỹ cho rằng như vậy là phân biệt đối xử giữa các công ty ngoại và công ty bản địa.
"Những gì chúng tôi đang làm là lấy lại sự công bằng cho mọi hoạt động kinh tế, dù là doanh nghiệp kinh doanh truyền thống hay kinh doanh số. Mọi người đều phải nộp thuế một cách công bằng", bà Arancha Gonzalez nói thêm.