Ghi nhận tại báo cáo thị phần mới nhất của Nielsen (tính đến tháng 5/2020), NutiFood GrowPLUS+ đã chính thức dẫn đầu về thị phần doanh thu sữa trẻ em Việt Nam, với 22% thị phần - chênh lệch gấp 1,77 lần doanh nghiệp xếp kế tiếp. Đây là năm đầu tiên thương hiệu mới này "soán ngôi" dẫn đầu, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt với các tên tuổi lớn như Vinamilk, Abbott, Friesland Campina…
Không chạy đua với "tay to", NutiFood đánh ngách phân khúc tầm trung, đáp ứng nhu cầu tăng đề kháng, tiêu hoá
Chính thức thành lập vào năm 2000, NutiFood chọn sữa dinh dưỡng trẻ em Việt Nam làm hướng đi chuyên biệt, trong đó tập trung phân khúc tầm trung. Câu chuyện về một người bác sĩ dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm, bỏ men tiêu hóa vào giúp nuôi ăn cho các em qua ống thông dạ dày, cứu sống hàng ngàn trẻ em cũng chính là triết lý kinh doanh thuở manh nha của NutiFood.
Nói về sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam, đây là thị trường được đánh giá rất tiềm năng. Thống kê mỗi năm có đến 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, như vậy tính riêng mảng sản phẩm cho bé như: sữa bột, thực phẩm ăn liền… quy mô ngành đã vô cùng lớn. Chưa kể, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Điều này giải thích cho sự gia nhập mạnh mẽ của các "tay chơi" ngoại, cũng như doanh nghiệp nội địa mà nổi bật là Vinamilk.
Giữa một thị trường cạnh tranh khốc liệt và được thống trị bởi các "ông lớn" sữa ngoại, ban lãnh đạo NutiFood khẳng định không chạy đua theo cuộc chiến bổ sung những dưỡng chất đắt đỏ, mà tập trung nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu mới nhất về dinh dưỡng để tăng đề kháng khỏe – tiêu hóa tốt.
Bởi, trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ nhỏ, sức khỏe hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của không chỉ bà mẹ mà còn của các chuyên gia dinh dưỡng. Do đó, ngoài những nghiên cứu bổ sung dinh dưỡng phù hợp thì việc xây dựng song song hệ đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt là một trong những chiến lược quan trọng để tối ưu tiềm năng phát triển tầm vóc, thể chất và trí tuệ trẻ em Việt Nam.
"Xuất phát điểm của chúng tôi luôn đến từ sự thấu hiểu nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam. Chúng tôi luôn tìm tòi nghiên cứu để có được những sản phẩm tốt nhất với thể trạng trẻ em Việt Nam trên nền tảng đề kháng khỏe - tiêu hóa tốt, có giá cả phù hợp với hầu hết các gia đình Việt Nam", Bà Trần Thị Lệ - Tổng Giám Đốc NutiFood bày tỏ.
Đã ký kết đơn hàng sữa đậu nành sang Trung Quốc
Không chỉ đánh ngách, NutiFood cũng tăng cường "sức mạnh" thông qua ký kết, liên danh với các Tập đoàn lớn. Đầu năm 2019, NutiFood và Tập đoàn Asahi Nhật Bản công bố thành lập liên doanh Asahi – NutiFood (mỗi bên 50% vốn nhưng không tiết lộ số vốn cụ thể) để cung cấp các dòng sản phẩm dành cho mẹ và bé thuộc phân khúc hàng cao cấp theo chuẩn Nhật cho thị trường Việt Nam. Công ty cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn đến từ Đức BASF, tiếp nối là Dupont - Tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới tại Mỹ nhằm ứng dụng dưỡng chất HMO vào sản phẩm dinh dưỡng trẻ em.
Thông qua đó, NutiFood không giấu tham vọng lấn sân thị trường nước ngoại và khẳng định Công ty đang mở sang một trang mới. Hiện, thị trường xuất khẩu của NutiFood tính đến nay bao gồm Philippines, Mỹ, Hàn Quốc… Mới nhất, NutiFood đã ký kết đơn hàng lớn sản xuất sữa đậu nành sang Trung Quốc.
Chia sẻ thêm, bà Lệ cho biết doanh nghiệp vừa có một đơn hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ cho Walmart. "Để có thể thành công hợp tác với tập đoàn bán lẻ lớn nhất nhì nước Mỹ, chúng tôi đã phải đạt đủ 250 tiêu chuẩn khắt khe của đối tác này. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, Walmart còn rất quan tâm đến an toàn lao động, các chính sách mà chúng tôi dành cho cán bộ công nhân viên", vị này nói.
Sữa Việt không thua gì hàng ngoại
Có thể nói, ngành sữa nhìn chung không quá phát triển ở châu Á, một phần do tập quán chăn nuôi là ở châu Âu. Trong vòng 20 năm gần đây ngành sữa châu Á và Việt Nam nói riêng mới phát triển, và chủ yếu nhờ phát triển được giống bò. Nhưng, sản lượng sản xuất ra chỉ đáp ứng được 40%, và đến 60% còn lại phải nhập sữa bột từ nước ngoài.
Mặt khác, ngành sữa trong nước hiện nay đang phải nhập khẩu nhà máy, công nghệ… và chúng ta triển khai rất nhanh nhạy công tác này, người trong cuộc cho hay. Lấy ví dụ, nếu trên thế giới có xu hướng tự động hóa tự động truy xuất thì tại Việt Nam một số nhà máy đã ứng dụng.
Miêu tả như vậy để thấy rằng, dù còn nhiều thiếu sót nhưng nói về hương vị, chất lượng thì sữa Việt không thua gì hàng ngoại. Đến cả công thức pha chế của Việt Nam cũng không khác gì sữa ngoại quốc vì mọi doanh nghiệp đều liên kết và sử dụng chung nghiên cứu từ đối tác nước ngoài. Nhưng, vấn đề là doanh nghiệp nội địa phải nghiên cứu được công thức phù hợp với người Việt, về lâu mới có thể thay đổi được tâm lý ưa chuộng hàng ngoại hiện nay, đặc biệt là đối tượng các bậc cha mẹ.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI