Mua bán trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế

Mua bán trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế

Đó là quan điểm của PGS,TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh tại diễn đàn: Khuynh hướng tiêu dùng 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội.


 

Thông tin từ hội thảo cho biết, thời gian qua mua sắm trực tuyến được coi là khuynh hướng tiêu dùng mới của người dân. Nhất là khi Việt Nam là 1 trong 6 nền kinh tế lớn trong khối ASEAN gồm cả Indonesia, Maylaydia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Các chuyên gia dự báo, doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia này sẽ tăng từ 34,5 tỷ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỷ USD năm 2013. Tại Việt Nam, tiềm năng mua bán trực tuyến cũng ngày một tăng cao hơn khi tỷ lệ người dân tham gia mạng Internet và xã hội ngày càng cao. Tính đến tháng 1/2017, nước ta đã có đến 46 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 2 trong số các quốc gia trong khu vực thực hiện các hoạt động trao đổi thông tin, thảo luận và giao dịch trực tuyến. Song song với đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, năm 2015 là 20,6 triệu người thì đến năm 2017 là 28,5 triệu người, dự báo đến năm 2021 sẽ là 41 triệu người. Điều này cho thấy, tiềm năng mua bán trực tuyến qua mạng xã hội của người Việt Nam rất lớn.

Theo thống kê của Global Survery Commerce trong quý I/2017, sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán trực tuyến chủ yếu là thời trang như quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ lớn nhất 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; đặt mua tour 47%; mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân chiếm 40%; hàng gia dụng 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin như laptop, điện thoại di động... chiếm 40%; đồ nội thất 29%; các sản phẩm ăn uống 26%...

 PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định, khi mà công nghệ phát triển hay nói cách khác là Internet đã “truy cập” đến mọi nhà thì cách tiêu dùng ngày nay cũng đang ngày một khác đi. Chính vì thế, nếu DN không nắm bắt được xu hướng mới thì coi như đã bỏ lỡ thị trường, bỏ quên mất một bộ phận tiêu dùng phổ biến hiện nay. Tương ứng, DN phải đón đầu và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bán lẻ trực tuyến, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Đồng thời cần cung cấp được các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, bán hàng đúng cam kết./.

Theo Tạp chí thuế

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang