Nâng vị thế cho thương hiệu Việt

Nâng vị thế cho thương hiệu Việt

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng quan tâm, nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng, phát triển, để nâng vị thế cho thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Nguồn:Báo Bắc Ninh

Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Cao Bằng, xã Đông Tiến (Yên Phong) sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm nhãn hiệu Thạch An - Thạch đen Cao Bằng được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, tạo được dấu ấn trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, an toàn. Năm 2020, Thạch An trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thạch đen sạch, an toàn, tự nhiên, không chất bảo quản, được phân phối rộng khắp trong các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và các kênh thương mại điện tử uy tín. Công ty phấn đấu xuất khẩu và giới thiệu hàng hóa trên các kênh thương mại điện tử uy tín trên thế giới… “Để đạt được thành công đó, ngoài đổi mới, quan tâm đến chất lượng, giá thành sản phẩm, Công ty luôn chú trọng ứng dụng công nghệ sạch, bảo vệ môi trường... Đây là những yếu tố để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Khi có sản phẩm tốt thì người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu. Khi đó, điều quan trọng là việc xây dựng, phát triển và giữ vững thương hiệu.

Với các giải pháp về công nghệ, tính chuyên nghiệp, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả cho nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều sản phẩm, dịch vụ của Công ty Cổ phần Đại Thành, Liên Bão (Tiên Du) chuyên sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp... đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Sản phẩm hạt giống nông nghiệp nhãn hiệu GOLDSEEDS; máy bay không người lái, thiết bị dẫn đường không người lái nhãn hiệu GLOBALCHECK ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; phần mềm quản lý giám sát nông nghiệp thông minh gắn với truy xuất nguồn gốc DtsmartAg… 

Hiện nay, Công ty nỗ lực phấn đấu trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất hạt giống và ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Trong bối cảnh khoa học công nghệ, thương mại điện tử ngày càng phát triển, DN muốn cạnh tranh cần phải chủ động tìm hiểu, làm quen với cách thức vận hành, kinh doanh theo phương thức phù hợp để không bị chậm chân, lạc hậu về công nghệ, cách tiếp cận khách hàng mới. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh - sạch - bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn về hội nhập vô cùng quan trọng, giúp Công ty nâng tầm vị thế và gặt hái được những thành công nhất định”.

Nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương được giới thiệu, quảng bá tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các DN, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN địa phương. Trên thực tế, thời gian qua, các sở, ngành có liên quan đã triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học công nghệ; Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử; kết nối giao thương, xúc tiến thương mại… góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt, sản phẩm địa phương vươn xa.

Theo đó, nhiều thương hiệu hàng hóa được người tiêu dùng biết đến và đón nhận như: Mắm tép chưng thịt PKT của Công ty Cổ phần PKT Việt Nam và xúc xích, thịt hun khói các loại của Công ty chế biến thực phẩm Dabaco (Tiên Du); Nước mắm cà cuống Nam Vị 33% độ đạm của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Ninh Phát và Curcumin của Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh - BANIPHAR (TP Bắc Ninh); Thạch An - Thạch đen Cao Bằng và gạo nếp cái hoa vàng Đức Lân (Yên Phong); nem Bùi (TX Thuận Thành)…

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công Thương (Sở Công Thương), thương hiệu được xem là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của các cơ sở sản xuất, đồng thời, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí trên thương trường. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu không thể chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có những chiến lược đầu tư bài bản, phù hợp với đặc thù quy mô hoạt động, sản phẩm của từng đơn vị. Về phía Sở Công Thương, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, góp phần hình thành sâu sắc trong ý thức, hành động của mỗi người dân trong tỉnh sự lựa chọn ưu tiên số một đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt. Hỗ trợ DN xây dựng website thương mại điện tử, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thông qua bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm… nâng vị thế cho các thương hiệu Việt.

Báo Bắc Ninh
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang