Sau vụ M&A kinh điển với Vinamilk, GTN đang “béo bở” như thế nào?

Sau vụ M&A kinh điển với Vinamilk, GTN đang “béo bở” như thế nào?

GTN sau khi được Vinamilk vào tiếp quản đã có lợi nhuận cải thiện, cân đối tài sản thuần nhất nhờ hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ. Công ty chứng khoán MBS định giá GTN là 30.800 sau khi cập nhật báo cáo kết quả quý 2.


Cuối năm 2019, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) hoàn tất việc mua vào gần 78,6 triệu cổ phiếu GTN của CTCP GTNFoods và tăng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75%, chính thức trở thành công ty mẹ của GTN.

Trước đó, thị trường từng chứng kiến một số "trục trặc" trong thương vụ M&A đình đám này của ngành sữa, khi vào cuối tháng 3/2019, Hội đồng quản trị của GTNFoods từng phản đối đề nghị chào mua công khai 49% của Vinamilk.

Rốt cuộc, với những lợi ích nhìn thấy được dành cho tất cả các bên từ cổ đông, người lao động, người dân, chính quyền và sự phát triển bền vững của ngành sữa Việt Nam thì GTN đã về một nhà với công ty sữa lớn nhất Việt Nam và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng.

Báo cáo phân tích mới công bố của CTCK MBS đã đánh giá, GTN đang trong phong độ tốt với lợi nhuận cải thiện, cân đối tài sản thuần nhất nhờ hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ.

Theo MBS, nhờ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, GTN có cơ hội tăng trưởng cao. Trong năm 2019, GTN lần lượt thoái vốn tại các công ty con GTNFarms, Công ty Khai thác tài sản GTNfoods, Công ty Hàng tiêu dùng GTNfoods, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinatea xuống còn 20% nhằm tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh chính - sữa tươi Mộc Châu (MCM).

Sau vụ M&A kinh điển với Vinamilk, GTN đang “béo bở” như thế nào?

Theo báo cáo Q2/2020, số dư tiền mặt vào khoảng 2.144 tỷ đồng, một phần đến từ hoạt động tái cấu trúc mang lại.

Các chuyên gia của MBS đánh giá cao về sự tham gia của Vinamilk trong HĐQT của GTN. Hiện tại, VNM đang sở hữu 75,3% cổ phần của Mộc Châu Milk (MCM). Sự tham gia của VNM trong HĐQT của GTN đã giúp cải thiện khả năng quản lý và hiệu quả hoạt động của GTN.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của MCM cải thiện từ mức 17,7% trong nửa đầu năm 2019 lên 28,9% trong nửa đầu năm 2020. Kết quả này đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận của mảng sữa tươi từ mức 21% trong năm 2019 lên 32% trong nửa đầu 2020.

Trong năm 2020, MCM sẽ phát hành khoảng 43,2 triệu cổ phiếu mới với tổng số tiền thu về khoảng 1.249 tỷ VND, trong đó 29,5 triệu cổ phiếu sẽ bán cho GTN, 9,7 triệu cổ phiếu sẽ bán cho VNM. Điều này sẽ nâng tổng mức sở hữu của GTN tại Sữa Mộc Châu lên mức 51%. Số tiền thu về được dự kiến sẽ dùng cho việc mở rộng trang trại hiện tại lên thêm 2.000 con bò cũng như đầu tư thêm trang mới 200ha với 4.000 con bò.

Một cơ hội lớn cũng mở ra cho các doanh nghiệp ngành sữa, trong đó có MCM là cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 80-85% nhu cầu. Trong năm 2019, Nghị định về xuất khẩu sữa sang Trung Quốc được ký kết. Hiện tại Việt nam có 5 nhãn hàng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc gồm Vinamilk, TH true Milk, Nutifood, Moc Chau Milk, và Hà Nội Milk.

MBS đánh giá, sữa tươi Mộc Châu là một trong những nhãn hàng sữa tiêu dùng nổi tiếng ở khu vực miền Bắc và miền Trung, đứng thứ 2 trong khu vực và chỉ sau Vinamilk. Công suất sản xuất hiện tại của Sữa Mộc Châu đạt 25 lit/con bò/ngày. Nhà máy hiện đã đạt 90% công suất, dự kiến sẽ được cải tiến và mở rộng nâng công suất. Với sự trợ giúp của Vinamilk, Mộc Châu Milk có tiềm năng mở rộng thị trường vào miền nam cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, các chuyên gia kỳ vọng danh mục sản phẩm của Mộc Châu Milk sẽ được gia tăng cùng với các hoạt động mở rộng của Vinamilk (xâm nhập vào ngành cà phê, hợp tác với Kido).

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang