Thái Nguyên xây dựng thương hiệu trà gắn với câu chuyện văn hoá

Thái Nguyên xây dựng thương hiệu trà gắn với câu chuyện văn hoá

Thái Nguyên tập trung bảo tồn văn hóa, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng xuất khẩu và gắn kết với du lịch để nâng cao giá trị thương hiệu trà.

Nguồn:Báo Công Thương

Hút khách nhờ du lịch trà

Thái Nguyên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây chè. Nhờ đó, những sản phẩm trà của tỉnh có chất lượng vượt trội, trở thành thương hiệu nổi bật trong ngành chè Việt Nam.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 22.200ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha, sản lượng đạt gần 273.000 tấn/năm. Riêng năm 2024, tổng thu từ cây chè của Thái Nguyên đạt khoảng 13.800 tỷ đồng, khẳng định vai trò quan trọng của ngành chè đối với nền kinh tế địa phương.

du lịch Thái Nguyên

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với du khách tham gia trải nghiệm hái chè và thưởng trà tại đồi chè Cầu Đá (Đại Từ, Thái Nguyên).

Không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nông nghiệp, trà Thái Nguyên còn được nâng tầm thành một thương hiệu văn hóa. Qua 3 kỳ Festival Trà Thái Nguyên được tổ chức thành công, danh tiếng của trà Thái Nguyên đã lan rộng, tạo điều kiện để thương hiệu này vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mới đây nhất, "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa của ngành chè Thái Nguyên.

Bà Vũ Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, đánh giá được tầm quan trọng của việc nâng cao giá trị thương hiệu, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành chè theo hướng bền vững.

Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng và củng cố nghệ thuật trà Thái Nguyên trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Đây không chỉ là cách để bảo tồn giá trị truyền thống mà còn là chiến lược dài hạn giúp chè Thái Nguyên khẳng định vị thế trên thị trường.

Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm gắn kết văn hóa trà với các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch trải nghiệm. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên trong năm 2024 đạt 3.485.000 lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. Doanh thu từ du lịch cũng ghi nhận con số ấn tượng, đạt 3.089 tỷ đồng, tăng 44,07% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Hường, những kết quả này có được nhờ việc tỉnh đã chú trọng khai thác và phát huy thế mạnh của văn hóa trà - một trong những giá trị đặc sắc của Thái Nguyên. Nhiều chương trình được tổ chức nhằm quảng bá, nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên gắn với các hoạt động du lịch như tham quan vùng chè, trải nghiệm quy trình chế biến trà truyền thống, giao lưu với nghệ nhân làng nghề và thưởng thức trà tại các không gian văn hóa trà độc đáo.

Các khu, điểm du lịch tại địa phương cũng tích cực kết nối để đưa các sản phẩm trải nghiệm về trà vào khai thác, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, để mở rộng cơ hội tiếp cận du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp với Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội ký kế hoạch hợp tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa trà trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên.

"Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch Thái Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến với vùng chè", lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Phát triển thương hiệu trà bằng du lịch trải nghiệm

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên" không chỉ giúp bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn tạo động lực để đổi mới, phát triển ngành chè theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu

Một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cải tiến công nghệ chế biến chè, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Hiện nay, nhiều sản phẩm chè của Thái Nguyên đã đạt chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, toàn tỉnh có khoảng 17.800ha chè được sản xuất theo quy trình an toàn. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Điều này không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn giúp chè Thái Nguyên khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác quảng bá thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng. Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh quảng bá trà thông qua các hội chợ, triển lãm, kênh truyền thông và mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn sẽ giúp chè Thái Nguyên mở rộng thị trường tiêu thụ.

"Việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng cần gắn liền với câu chuyện văn hóa, lịch sử của vùng trà. Những giá trị văn hóa lâu đời của trà Thái Nguyên không chỉ là lợi thế cạnh tranh mà còn là yếu tố giúp thu hút du khách và nhà đầu tư", ông Hoàng cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, một hướng đi mới đầy tiềm năng cho ngành chè Thái Nguyên là phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm văn hóa trà. Đây không chỉ là cách để gia tăng giá trị sản phẩm mà còn giúp du khách hiểu hơn về nghề trồng, chế biến chè, từ đó nâng cao sự trân quý đối với trà Việt Nam.

Báo Công Thương
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang