Trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam về kinh tế xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu quốc gia xanh được cho là sẽ giúp doanh nghiệp vượt sóng vươn khơi ra quốc tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Sau hơn 20 năm triển khai, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực theo hướng xanh và bền vững.(Ảnh minh họa)
Nâng tầm thương hiệu Việt Nam
Tại Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia được Chính phủ ban hành từ năm 2003. Sau hơn 20 năm triển khai, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong các ngành như viễn thông, ngân hàng, thực phẩm… góp phần thúc đẩy đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao của mình.
Đáng chú ý, thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance đánh giá, xếp hạng.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ 3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Giải pháp thứ nhất, đó là nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với ý nghĩa, vai trò của việc phát triển và bảo hộ thương hiệu cho một sản phẩm. Nhóm giải pháp thứ hai, nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó có năng lực để xây dựng và quản trị phát triển các thương hiệu sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia hướng đến các thương hiệu xuất khẩu vươn ra thế giới mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
“Nhóm giải pháp thứ ba đó là cần đẩy mạnh hơn đó là tuyên truyền quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia, các sản phẩm đạt tiêu chí chương trình thương hiệu quốc gia, từ đó để người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến", ông Chiến cho biết.
Thương hiệu xanh tạo động lực cho doanh nghiệp
Thương hiệu quốc gia xanh nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỉ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỉ trọng 42%.
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
“Kết quả trên cho thấy các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo TS. Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế (Đại học RMIT) cho rằng, giá trị của một thương hiệu trước tiên và trên hết phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm và dịch vụ của các DN Việt còn rất nhiều cơ hội để tiếp tục cải thiện. Các DN nên có sự đầu tư đúng đắn, đổi mới liên tục và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường.
Để làm được điều đó, DN cần thực sự lắng nghe khách hàng, tìm hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới. Không chỉ chạy theo xu hướng, các DN Việt Nam nên tìm những hướng đi mới để tạo ra xu hướng, dẫn dắt thị trường.
Đánh giá ở tầm vĩ mô, Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan tại Việt Nam đang đi đúng hướng khi nhìn nhận đây là cơ hội cho thương hiệu quốc gia. Chúng ta cũng nhìn nhận thấy những nỗ lực để định hướng thị trường, cộng đồng DN cũng như người tiêu dùng về tầm quan trọng của thương hiệu xanh nói riêng cũng như thương hiệu quốc gia nói chung.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu; đồng thời doanh nghiệp cần có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài./.