Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Và trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa được khẳng định.
PGS. TS Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa lại được khẳng định.
Ông Đình cho biết, theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.
Theo ông Đình, có vẻ như doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt nhịp được với xu thế mới, do đó thách thức có thể nhiều hơn và có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Cũng tại đây, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói về Xu hướng CMCN 4:0 - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp. Ông cho biết về những xu hướng thay đổi trong thời gian tới đây: 800 doanh nhân họp ở Davos đã dự báo 21 sản phẩm sau đây sẽ xuất hiện trong 10 năm tới, được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần: 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với internet; 80% người dân hiện diện số trên internet; Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.
Chính những điều này sẽ buộc các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức:áp lực cạnh tranh; thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng; chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm,… cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu tiêu dùng mới. Vì vậy doanh nghiệp sẽ phải làm cách nào để tồn tại và phát triển: tư duy hàng ngày: sáng tạo cộng thay đổi sẽ tạo ra hiệu quả hơn. Không chỉ thay đổi về công nghệ, khoa học kỹ thuật mà còn mà còn phải đổi mới tổ chức và nhân sự, yếu tố con người vô cùng quan trọng, ông nhấn mạnh thêm.
Trong bài tham luận của mình, ông Trịnh Minh Giang, chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số - Chủ tịch công ty VMCG - cũng nhấn mạnh, câu chuyện 4.0 bản chất là sự thay đổi và cũng xuất phát từ sự thay đổi: “Chúng ta đang không theo kịp sự thay đổi, dù có cập nhật thường xuyên cũng đang không theo kịp. Đó là lý do khiến chúng ta buộc phải số hóa mô hình kinh doanh. Những thương hiệu bây giờ khác hoàn toàn so với những thương hiệu của 10 năm trước, hoàn toàn thay đổi bằng những nền tảng thương hiệu mới”.
Theo ông Trịnh Minh Giang, sự chuyển đổi mô hình kinh doanh bắt nguồn từ chính xã hội khi tư duy về quyền sở hữu không còn bị đặt nặng mà đã thay đổi chuyển sang tư duy quyền truy cập, sử dụng. “Tư duy của con người, của thị trường thay đổi thì doanh nghiệp buộc phải thay đổi mỗi ngày. Và câu chuyện 4.0 đem lại những quyết định đúng đắn hơn dựa trên cơ sở dữ liệu đã được tổng hợp và phân tích. Doanh nghiệp phải dựa vào công nghệ để lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Nhưng nếu không hiểu công nghệ thì sẽ đi trượt khỏi xu hướng”, ông Giang khẳng định.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cũng cho rằng, 3 quy tắc quan trọng trong chuyển đổi số doanh nghiệp là nghĩ lớn, làm nhỏ tức là hãy nghĩ đến sự tương tác và trải nghiệm của khách hàng. Thứ hai phải phải hiểu rõ công nghệ muốn sử dụng và thứ ba là gắn công nghệ đó với tư duy, chiến lược kinh doanh.
Nói rõ hơn về giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam đuổi kịp xu hướng của thời đại, ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: “Chưa bao giờ chúng ta nghe nhiều đến 4.0 và trí tuệ nhân tạo như bây giờ. Ít có quốc gia nào có sự thay đổi nhanh như Việt Nam. Chúng ta đã nhận thức được sức ảnh hưởng của công nghệ 4.0 nhưng từ nhận thức đến hành động còn một độ trễ nhất định. Do vậy, doanh nghiệp cần thích ứng và sẵn sàng cho 4.0. Doanh nghiệp phải là trung tâm và là nền tảng của sự thay đổi, chuyển mình.
Lợi thế cạnh tranh tĩnh đang chuyển dần sang lợi thế cạnh tranh động. Do đó, cần thiết phải nhận dạng về cách thức thay đổi mô hình kinh doanh. Chúng ta đứng trên vai những “người khổng lồ” nhưng không vì thế mà bị chìm xuống, ngược lại phải từng bước khai phá, đánh thức tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai”.
Theo ông Xuyên, khảo sát trên 7.000 doanh nghiệp, có chưa đến 60% doanh nghiệp có sự đổi mới sáng tạo, điều này cho thấy nhận thức của doanh nghiệp còn ở mức độ trung bình. Mặc dù doanh nghiệp đã có sự thay đổi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi chung của thế giới. Số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến tăng nhưng chậm dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa cao. Doanh nghiệp tự mình nghiên cứu, làm mới bản thân hàng ngày chưa thực sự mạnh mẽ.
Hiện tại, Chính phủ đã có sự thay đổi về nhận thức và hành động, mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc dấn thân vào cuộc cách mạng 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp ở việc tiếp cận thông tin, tạo ra cơ sở dữ liệu về tài sản trí tuệ để nắm bắt được xu hướng công nghệ trên thế giới, hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế doanh nghiệp chưa được thụ hưởng nhiều. Số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và nhận hỗ trợ chưa đến 20%.
Do vậy, ông Xuyên cho rằng, Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để xây dựng lộ trình, đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sao cho hiệu quả nhất.
Cũng trong chương trình, ông Nguyễn Trọng Duy – Đồng sáng lập công ty CP Ella Study Việt Nam, điều hành dự án Ella Study có bài phát biểu về Ươm mầm nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ phát triển bền vững. Ông có nêu một số yếu tố tạo nên thế hệ trẻ khởi nghiệp: chọn đúng vấn đề; tạo giá trị; tập trung, học mọi lúc mọi nơi; không bỏ cuộc.
Bên cạnh đó, Ông Lê Công Thành – CEO của InfoRe Technology đã mang đưa ra tham luận: Nền tảng dữ liệu phân tán phục vụ phát triển Trí tuệ nhân tạo ở thị trường Việt Nam. Ông Trần Trung Hiếu, CEO Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam, trình bày về Tri thức thiết yếu của CEO trong tuyển dụng nhân sự hiện đại. CEO Công ty cổ phần Miin Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Trọng đã nêu những giải pháp để tạo ra sự hợp tác win-win giữa các startup nước nhà trước các tên tuổi lớn của nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Và cuối cùng, bà Phan Hoàng Lan – Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra những thách thức và cơ hội cho doanh nhân khởi nghiệp trong thời đại 4.0.