Tôn vinh thương hiệu, doanh nghiệp: Tiêu chí đánh giá rõ ràng

Tôn vinh thương hiệu, doanh nghiệp: Tiêu chí đánh giá rõ ràng

Thời gian qua, nhiều đơn vị tổ chức trao giải thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp nhưng không có bất cứ tiêu chí nào liên quan đến chất lượng sản phẩm.

 


“Chạy chọt” để nhận giải?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Nguyễn Văn Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều giải thưởng ở đủ lĩnh vực, ngành nghề, do các hiệp hội, công ty truyền thông khác nhau tổ chức. Tôn vinh, vinh danh một tổ chức, cá nhân là sự ghi nhận những thành tích và đóng góp của tổ chức, cá nhân đó với cộng đồng, nhưng đến nay đã có sự biến tướng, nhiều doanh nghiệp chạy chọt để được nhận giải. “Doanh nghiệp nói với tôi rằng, chạy những giải này mất khoảng 50 triệu, chỉ cần lập hồ sơ là được đưa vào danh sách”, ông Nam cho hay.

Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nền kinh tế của chúng ta tồn tại quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn đến việc phải cân đối chi phí, trong đó có những chi phí liên quan đến xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu. Việc tư duy manh mún, mang đậm tính thời điểm đã khiến nhiều doanh nghiệp làm theo kiểu: Đợt này có chương trình tôn vinh, sẽ tham gia (có đóng góp, tài trợ hoặc một hình thức tương tự) để có thể được lên báo, lên tivi mà quên mất rằng, giá trị thương hiệu chỉ trường tồn nếu chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp đó hàng ngày in dấu (tích cực) trong tâm trí của người tiêu dùng. Những nước phát triển hơn, các doanh nghiệp khi thành lập thường tính kỹ đến mức có quỹ dành cho rủi ro, quỹ đầu tư và phát triển. Còn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ra đời khi hoàn thành xong thủ tục về mặt pháp luật để hoat động, lại rút hết tiền trong vốn pháp định để chi trả chi phí hàng tháng. Chưa kể chúng ta đang đối mặt với một vấn đề là việc tôn vinh thương hiệu theo cách hiện nay cũng là một hình thức kinh doanh kiếm lời từ việc tổ chức sự kiện. “Nếu các doanh nghiệp không tỉnh táo để lựa chọn những chương trình có uy tín, thì không khác gì một khán giả không tỉnh táo khi mua vé ca nhạc dựa trên việc nhìn một tấm poster có hình ca sĩ nổi tiếng, mà không chú ý đến đơn vị tổ chức show ca nhạc đó” - ông Trường nói.

“Đây là thời điểm phải rà soát và công bố với công chúng những chương trình tôn vinh nào là chính thống, dứt khoát không cấp phép cho những chương trình lợi dụng việc tôn vinh để thu tiền của doanh nghiệp, làm qua quýt cho xong và để lại hậu quả xấu”.

Chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường

 

 

Trong nền kinh tế thị trường, sự tôn vinh thương hiệu, doanh nghiệp là rất quan trọng, qua đó hình tượng, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp tốt hơn giúp người tiêu dùng sẽ nhận diện tốt hơn sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Tuy vậy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành nhấn mạnh, việc lạm dụng kết quả vinh danh là rất nguy hiểm, gây nguy hại cho người tiêu dùng, thị trường và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây không đơn thuần là câu chuyện vinh danh mà thực chất là cạnh tranh, do đó phải chú trọng đặc biệt đến vấn đề minh bạch thông tin.

Ban tổ chức cũng phải có “thương hiệu”

Dưới góc độ quản lý nhà nước, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Tại Khoản 2, Khoản 4, Điều 4 đã định các hành vi bị nghiêm cấm như: “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”; “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức những cuộc vinh danh, tôn vinh quá dễ dãi với những danh hiệu na ná nhau. Ông Vũ Xuân Trường cho rằng, để lấy lại lòng tin của xã hội về các hoạt động tôn vinh, vinh danh, cần có sự vào cuộc nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, cần tới thái độ và ý thức trách nhiệm của các tổ chức đứng tên trong các hoạt động vinh danh. Riêng với những đơn vị liên kết tổ chức chương trình, nếu có sai phạm cần bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động.

Theo các chuyên gia, một sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được công chúng đón nhận và tôn vinh không thể thiếu các tiêu chí liên quan đến chất lượng và cảm nhận của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có những tiêu chí riêng để đánh giá sản phẩm nhưng bộ tiêu chí đánh giá để tôn vinh sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp thì bắt buộc phải do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành. Ví dụ như Chương trình Thương hiệu quốc gia có bộ tiêu chí để các doanh nghiệp phấn đấu đạt được thì sẽ được vinh danh. Tuy nhiên, bộ tiêu chí đó cũng cần cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế, theo đó có thể thêm những tiêu chí mới hoặc bớt đi những tiêu chí không phù hợp để sát hơn với thị hiếu của người tiêu dùng, gần hơn với cảm nhận của công chúng.

Với cách tiếp cận này, một chương trình tôn vinh thương hiệu cần phải có một ban tổ chức cũng phải có “thương hiệu”; tức là các thành viên nên đầy đủ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, hiệp hội người tiêu dùng… để đánh giá khách quan, công tâm đối với các sản phẩm, dịch vụ. “Mặc định khi một doanh nghiệp được xướng tên trên sân khấu, là doanh nghiệp đó bảo đảm các tiêu chí liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ chứ không thể nói rằng việc đó là của cơ quan khác, không phải trách nhiệm của ban tổ chức” - ông Vũ Xuân Trường nhấn mạnh. Ông Trường cũng cho biết, thế giới có tiêu chuẩn rất rõ ràng, chúng ta chỉ cần thừa hưởng những gì đã quy chuẩn và áp dụng phần nào đối với Việt Nam. Điều quan trọng là trong quá trình thực thi, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cấp phép phải làm đúng quy định, khách quan, minh bạch thì mới có thể mang lại ích lợi thực sự cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo NĐB

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang