Doanh nghiệp và thương hiệu doanh nghiệp | Thời Báo Tài Chính

“Họ sợ bị hồi tố…”

Sau khi nghe hàng loạt ý kiến, băn khoăn của các doanh nghiệp Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) mà mình là Chủ tịch, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã chốt lại: “Phải xác định rõ là không hồi tố, nếu không, không ai dám làm gì”.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp than phiền về những thủ tục, yêu cầu khó từ phía một số chi nhánh ngân hàng liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với Covid-19. Họ kể, nhiều giám đốc chi nhánh sợ sai, nên luôn đòi hỏi doanh nghiệp rất nhiều giấy tờ, thủ tục nhiêu khê, thậm chí khuyên doanh nghiệp không nên sử dụng gói hỗ trợ.

Tình hình có khá hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước có các chỉ thị hướng dẫn cụ thể trong tháng 3/2020. Nhưng trong Nghị quyết 84/2020/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới... đã được nhắc lại.

“Họ sợ bị hồi tố. Những vụ án trong ngành ngân hàng, nhiều khoản vay từ đợt kích cầu 2008-2009 chưa giải trình xong vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn”, một vị giám đốc doanh nghiệp thẳng thắn lý giải.

Ám ảnh... hình sự hóa

“Không doanh nghiệp nào muốn nói về chuyện đang bị các cơ quan công quyền làm khó. Họ sợ bị làm khó dễ”, vị giám đốc trên lý giải khi đề nghị không lộ danh tính trên báo chí. Vị này là giám đốc một doanh nghiệp có dự án bất động sản thuộc nhóm bị dừng lại để xem xét theo kết luận của Thanh tra Nhà nước đã vài năm, nhưng đến nay chưa có phương án giải quyết.

“Họp hành nhiều, ban bệ đủ cả, từ trung ương đến địa phương. Ý kiến cũng nhiều, cũng có phương án tháo gỡ, nhưng điều đáng nói là, không có văn bản kết luận nào để thực hiện. Cả ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp vay ngân hàng đành chôn ở dự án, lãi mẹ đẻ lãi con”, vị giám đốc chia sẻ đầy bất an.

Vấn đề lớn nằm ở tình trạng không có văn bản, kết luận nào được đưa ra. Thậm chí, doanh nghiệp từng đề nghị phương án ra thông báo cuộc họp, với các ý kiến của các cơ quan liên quan đều có giá trị như nhau, để tập thể quyết định, nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

“Chúng tôi chỉ muốn công khai các dự án để mọi người đều có thể thấy ai sai, ai đúng, sai thế nào, đúng ra sao từng giai đoạn, để có cách xử lý, chứ không thể cứ thấy có dấu hiệu nghi vấn gì là doanh nghiệp phải gánh hết”, lãnh đạo doanh nghiệp không giấu nổi bức xúc.

Vấn đề là yêu cầu này không dễ thực hiện. Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế thừa nhận như vậy sau các cuộc tư vấn, làm việc với nhiều doanh nghiệp. Theo ông, vướng mắc lớn nhất là các cấp chính quyền không dám quyết theo đúng nguyên tắc là sai đâu, xử đấy.

Thực tế là, khi xem lại quy trình của những thủ tục đã thực hiện trước đó, sẽ có tình trạng truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan. Nhưng có những bên đã không còn “liên quan” tới các dự án, doanh nghiệp nữa do nhiều lần chuyển nhượng, song doanh nghiệp hiện hữu đang phải gánh mọi hệ lụy để chờ phương án giải quyết.

“Quan điểm của tôi trong việc xử lý tình huống này là phải đảm bảo nguyên tắc, nếu vi phạm hành chính thì xử lý theo quy định về hành chính, nếu vi phạm hình sự thì xử lý theo pháp luật về hình sự. Trong nhiều trường hợp, sẽ có những khoảng mờ của các quy định, cần sự quyết định của các cấp có thẩm quyền. Nhưng có vẻ như, những vụ án gần đây khiến nhiều công chức không dám quyết để tránh sai sót”, ông Thành chia sẻ quan điểm.

Đương nhiên, rất khó đòi hỏi phương án, cách làm mới, làm khác vào thời điểm này.

Thúc đẩy người dám làm

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận, việc thực thi các chỉ thị, nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đòi hỏi cần nhanh về tốc độ, rộng về đối tượng, về giải pháp đang đối mặt với rủi ro không nhỏ, nếu đứng ở góc độ công chức thực thi.

Nếu làm nhanh theo yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế, thì quy trình, thời gian rà soát thủ tục, chính sửa văn bản, quy định sẽ phải thực hiện theo các thủ tục rút gọn, có thể sẽ không đảm bảo chuẩn chỉ. Đó là chưa kể, trong bối cảnh mới, những thủ tục, quy trình hiện hữu có thể chính là rào cản, cần phải gỡ bỏ, thay mới.

“Nhưng nỗi sợ bị hồi tố, bị đánh giá lại khiến không công chức nào muốn đề xuất làm nhanh, làm mới. Chẳng hạn, để thực thi nhanh Nghị quyết 84/2020/NQ-CP, các bộ có thể đề xuất một nghị định sửa nhiều nghị định, thay vì từng bộ làm riêng lẻ. Nhưng câu hỏi là ai sẽ là người làm. Vì trong quá trình làm gấp rút này, có thể sẽ có sai sót”,  ông Cung nói.

Phải thắng thắn, trong các quyết định ở bất cứ vị trí công việc nào, rủi ro luôn có, kể cả việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại.

Giới chuyên gia kinh tế thường nhắc tới công thức 80-20, nghĩa là có thể chấp nhận 20% sai về đối tượng, nhưng để 80% các nguồn lực đến đúng thời điểm, đúng đối tượng là thành công của chính sách. Tuy nhiên, tình trạng chỉ cần 1 việc làm chưa chuẩn, thì cả 99 nhiệm vụ hoàn thành tốt bị coi như không có, khiến công chức nhà nước đối mặt với các bản giải trình, thanh, kiểm tra...

“Đà Nẵng là một ví dụ. Tổng thể, sự phát triển của Đà Nẵng hiện tại là thành quả của nhiều cơ chế phù hợp, nhưng một vài vụ việc đã khiến cả hệ thống gần như bị nhìn ngược lại. Tôi cho rằng, cần phải xác định rõ hệ thống đánh giá kết quả công việc, đánh giá công chức, để gỡ được tâm lý này”, ông Cung đề xuất.

Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt, ông Cung cho rằng, tính quyết đoán, công tâm và tính phụng sự của người đứng đầu cần phải đi trước, dẫn hướng và truyền tải thông điệp tới doanh nghiệp và công chức.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang