Thương hiệu ngân hàng Việt ngày càng được khẳng định
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian qua, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Ngân hàng xác định rõ trách nhiệm trong việc hiện thực hóa các định hướng phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Ngành tiếp tục tiên phong trong đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu ngân hàng vững mạnh, từng bước vươn tầm khu vực và toàn cầu, qua đó đóng góp thiết thực vào việc khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.
Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu có từ 2-3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á. Đây là mục tiêu không chỉ về quy mô tài sản mà còn là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch và đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.
.png)
Toàn cảnh Diễn đàn
Các TCTD cũng đã chủ động nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Đồng sáng lập Sáng kiến xã hội trí tuệ nhân tạo đã trình bày tham luận về nội dung Boston Global Forum hỗ trợ xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, chương trình được dẫn dắt bởi TS. Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Thương hiệu được xây dựng từ niềm tin
Trao đổi tại Diễn đàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng bà Lê Thị Thuý Sen cho biết, về mặt triết học, để xây dựng một thương hiệu tốt cần sự thống nhất giữa hai mặt của cặp phạm trù “nội dung” và “hình thức”. Hay nói cụ thể hơn, “nội dung” tức là bản chất hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng đó phải bài bản, đáp ứng các yêu cầu trong quản trị, vận hành tốt. Còn “hình thức” là cách thể hiện ra bên ngoài. Theo bà Sen, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì thương hiệu của doanh nghiệp, ngân hàng không thể vươn xa.
“Một ngân hàng hoạt động tốt mà không biết cách làm thương hiệu thì sẽ lãng phí giá trị và ngược lại. Ngân hàng cần nhìn nhận tầm quan trọng của thương hiệu như một giá trị to lớn. Thương hiệu chính là nguồn lực, giá trị của ngân hàng. Muốn thương hiệu vươn tầm quốc tế thì chiến lược phát triển thương hiệu cũng phải có tầm vóc quốc tế”.
Chính vì vậy, với mong muốn đem tri thức trên thế giới liên quan đến lĩnh vực tài chính chính, ngân hàng và xây dựng thương hiệu về Việt Nam, Thời báo Ngân hàng đã tổ chức Diễn đàn này và nỗ lực kết nối với hai chuyên gia hàng đầu thế giới là GS. John Quelch - “phù thuỷ thương hiệu” đứng sau sự thành công của một loạt thương hiệu lớn và ông Peter Verhoeven, thành viên lãnh đạo Anax Invest, chuyên gia hàng đầu về Basel III và có hơn 40 năm kinh nghiệm trong tái cấu trúc doanh nghiệp và chiến lược tài chính khu vực.
Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cũng vui mừng chia sẻ, Giáo sư John A. Quelch và ông Peter Verhoeven đã chính thức nhận lời tham gia Hội đồng Cố vấn cấp cao của Tạp chí Ngân hàng. Sự tham gia của hai chuyên gia tầm cỡ quốc tế không chỉ mang đến tri thức uy tín, cập nhật và sâu sắc về tài chính - ngân hàng toàn cầu, mà còn góp phần nâng cao chất lượng học thuật, hàm lượng khoa học, tầm vóc quốc tế cho các ấn phẩm của Thời báo Ngân hàng trong thời gian tới. Đặc biệt là sắp tới, Tạp chí Ngân hàng sẽ được xuất bản thêm ấn phẩm tiếng anh, bà Sen cho biết.
GS. John Quelch - người từng là Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard và giữ chức vụ Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch và Giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS) - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực marketing chiến lược tài chính - ngân hàng và được mệnh danh là “Phù thủy thương hiệu” cũng chia sẻ tại Diễn đàn. Ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm toàn cầu về xây dựng thương hiệu ngân hàng trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.
Theo vị chuyên gia này, ngành Ngân hàng thường xuyên phát triển và thay đổi, cũng như ở Mỹ có khẩu hiệu “Thay đổi hay là chết”. Vậy nền tảng nào để tạo nên một thương hiệu vững mạnh, các ngân hàng cần làm gì? GS. John Quelch nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin, thương hiệu cần hoàn thành được lời hứa với khách hàng một cách nhất quán, thường xuyên, liên tục, điều đó sẽ tạo nên những khách hàng trung thành và đồng hành cùng ngân hàng. Song song với việc đi tìm kiếm những khách hàng mới, ngân hàng cần đồng hành để hiểu rõ khách hàng hiện tại và làm hài lòng họ hơn.
Đặc biệt, GS. John Quelch nhấn mạnh, ngân hàng muốn làm thương hiệu tốt thì không nhất thiết phải cung cấp sản phẩm có chất lượng cao nhất trên thị trường nhưng phải là chất lượng đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng hiện có của mình. Dẫn chứng nhiều câu chuyện của các thương hiệu lớn trên thế giới, chuyên gia cho biết có rất nhiều thương hiệu thành công từ việc mang tới sản phẩm chất lượng tốt tương xứng với giá thành hợp lý.
“Các ngân hàng phải xác định nhóm khách hàng mục tiêu để có chiến lược phát triển phù hợp, từ đó xây dựng thương hiệu tốt. Một ngân hàng có thương hiệu tốt sẽ tạo được nhiều giá trị, lợi nhuận cao hơn với các ngân hàng khác”, vị giáo sư này nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Peter Verhoeven, thành viên lãnh đạo Anax Invest cũng nhận định, niềm tin chính là điều quan trọng của một thương hiệu. Đối với các ngân hàng cũng vậy, các cơ quan quản lý cần kiểm soát hoạt động của ngân hàng đảm bảo niềm tin của người dân. Cơ sở của niềm tin này được xây dựng dựa trên việc ngân hàng làm tốt hoạt động quản trị nội bộ, đáp ứng các yêu cầu an toàn hoạt động. Đồng thời, ngày càng nâng cấp khả năng quản trị của mình theo các tiêu chuẩn mới như Basel III, tiến đến là Basel IV.
Ngoài ra, yếu tố đổi mới sáng tạo cũng vô cùng quan trọng để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dùng. Bối cảnh công nghệ phát triển cao cũng đặt ra yêu cầu trải nghiệm đối với dịch vụ ngân hàng phải nhanh và tiện ích hơn. Đảm bảo mỗi người dùng có một hành trình sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, liền mạch.
Cũng nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu phải từ giá trị và trách nhiệm với cộng đồng, bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc NHTMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - khẳng định, ngay từ đầu, TH chưa bàn đến mục tiêu phát triển thương hiệu mà phát triển mạnh mẽ và tạo dựng giá trị thực từ những điều bình dị và hạnh phúc. Hạnh phúc mà TH true MILK mang lại không chỉ dành cho người bán hàng mà còn vì sức khỏe của cả cộng đồng.
Tại một hội nghị diễn ra gần đây, bà đã chia sẻ thông điệp ý nghĩa: "Hãy yêu quý mẹ thiên nhiên, người đã cho mình tất cả”. Thông điệp này cũng được bà và Tập đoàn TH thực hiện ngay từ những ngày đầu nung nấu ý tưởng. Bên cạnh đó, TH cũng phải nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh, hướng đến cộng đồng, đề cao trách nhiệm xã hội và sự an toàn cho người tiêu dùng.
Chia sẻ giá trị cốt lõi trong chiến lược đưa thương hiệu ra toàn cầu, bà Thái Hương khẳng định: “Thương hiệu muốn phát triển bền vững và đi đường dài, đặc biệt trong ngành thực phẩm thì giá trị cốt lõi phải là giá trị cộng đồng, giống như phẩm hạnh của con người - sự thật là yếu tố quan trọng nhất, cùng với công nghệ tiên tiến”.