Hội thảo Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Hội thảo Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".

Nguồn:Báo Nhân dân

Quang cảnh hội thảo.

Năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp, quý I năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng GDP tích cực đạt 6,93%, là mức tăng trưởng cao nhất trong quý I các năm từ 2020 đến nay.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu đề ra trong kịch bản điều hành của Chính phủ, đặc biệt khi đất nước đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Bước vào quý II, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng từ những biến động nhanh chóng, khó lường trên thị trường toàn cầu.

Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như ngành bia, rượu, đang phải đối mặt với những áp lực không nhỏ. Các doanh nghiệp này không chỉ chịu tác động nặng nề từ hệ quả kéo dài của đại dịch Covid-19 mà còn phải thích nghi với những thay đổi lớn về cơ chế chính sách thuế và các quy định khác như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trước thực trạng đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp này phục hồi sản xuất, ổn định kinh doanh và tăng trưởng bền vững trở thành yêu cầu cấp thiết và quan trọng.

Hội thảo do Báo Nhân Dân tổ chức nhằm tạo diễn đàn mở, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia chính sách và các doanh nghiệp liên quan. Đây sẽ là cơ hội quý báu để các bên cùng nhau chia sẻ những khó khăn thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể và khả thi.

Nội dung hội thảo tập trung vào phân tích sâu rộng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, những rào cản hiện nay và giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp trực tiếp đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2025.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia hàng đầu và đại diện doanh nghiệp sẽ trình bày tham luận, thảo luận về các giải pháp cân đối giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách với việc hỗ trợ doanh nghiệp. Các đề xuất cụ thể như điều chỉnh thuế suất một cách hợp lý theo lộ trình phù hợp nhằm tránh gây sốc cho thị trường và người tiêu dùng cũng sẽ được đưa ra.

Hội thảo có sự góp mặt của đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Các đại biểu dự hội thảo.

Cùng dự còn có các đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội; Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Kinh tế-Tài chính của Quốc hội; Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Về phía khách mời diễn giả, chuyên gia có: TS Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia; TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia; bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam; TS Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam; TS Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.

Đề xuất những giải pháp phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội quý I/2025 của nước ta tiếp tục duy trì xu hướng tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 6,93% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I các năm 2020-2025, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Có thể nói, đây là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần trong nền kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, đồng chí Lê Quốc Minh cũng cho rằng, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới của đất nước, hướng tới khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.

Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có những thời điểm tăng cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.

“Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế dự hội thảo.

Đồng chí cho biết, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025, với mục tiêu quan định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ.

Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia-rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.

Trước những vấn đề đặt ra, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, với sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo các bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học những nội dung còn có ý kiến khác nhau về hai phương án tăng thuế và thời điểm, lộ trình áp dụng đối với mặt hàng rượu-bia, đồng thời làm rõ ảnh hưởng của chính sách thuế này đến “sức khỏe” của doanh nghiệp trong mối tương quan với nhiệm vụ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững. Từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn, có tính khả thi cao nhằm hoàn thiện dự thảo luật theo nguyên tắc chung là hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng chí bày tỏ hy vọng, hội thảo hôm nay sẽ bổ sung góc nhìn mới, toàn diện hơn về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng thời đưa ra những kiến nghị chính sách xác đáng để góp phần hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng dự thảo luật.

Báo Nhân dân
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang