"Chiến tranh" giữa Amazon và Alibaba

"Chiến tranh" giữa Amazon và Alibaba

Đang có một "cuộc chiến tranh lạnh" trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) giữa Alibaba và Amazon, và có thể kéo dài nhiều thập kỷ. Đặc biệt trong vài năm tới, "trận chiến" này sẽ rất khốc liệt tại thị trường Đông Nam Á. 


"Chiến tranh" giữa Amazon và Alibaba

Có trụ sở chính tại Mỹ, Amazon được ví như "cha đẻ” của các trang mua sắm trực tuyến hiện đại. Đối thủ cũng nặng ký không kém là đại gia TMĐT tại Trung Quốc: Alibaba. Cả hai đều giữ vị trí thống lĩnh thị trường nội địa và đang tìm kiếm vùng đất mới để tiếp tục chinh phục. Theo số liệu trên Tech in Asia, Alibaba chiếm 80% doanh thu bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc, còn Amazon chiếm 60% doanh thu trong cùng lĩnh vực tại xứ cờ hoa.

Đây không phải là lần chạm trán đầu tiên của hai doanh nghiệp (DN) này, vì Alibaba đã "tấn công" Amazon tại thị trường Mỹ bằng cách tung ra dịch vụ điện toán đám mây để cạnh tranh với dịch vụ Amazon Web Services và đầu tư vào một số công ty Mỹ. Ngược lại, Amazon cũng đã "tuyên chiến" với Alibaba tại thị trường đông dân nhất thế giới khi ra mắt dịch vụ giao hàng Amazon Prime (Amazon Prime còn cung cấp cả dịch vụ streaming nhạc và video).

Chiến lược "kẹp chặt Đông Nam Á"

Tại Ấn Độ, hai hãng TMĐT nội địa hàng đầu là Flipkart và Snapdeal sắp phải đối mặt với đối thủ giàu có đến từ nước Mỹ. CEO Amazon Jeff Bezos vừa công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD vào Ấn Độ. Theo số liệu của Hiệp hội Di động và Internet Ấn Độ đăng trên tờ The EconomicTimes, thị trường TMĐT Ấn Độ ước tính sẽ đạt giá trị 2,1 nghìn tỷ Rupee (tương đương 30,7 tỷ USD) vào tháng 12/2016, tăng trưởng gần 68% chỉ trong vòng một năm. Vào năm 2015, Amazon India đã nằm trong danh sách những công ty TMĐT lớn nhất tại Ấn Độ, cùng với các hãng nội địa là Flipkart, Snapdeal và Paytm.

Tương tự, Amazon được cho là sẽ bơm 600 triệu USD vào Indonesia, cho thấy nỗ lực bước chân vào thị trường TMĐT Đông Nam Á bằng cách "kẹp chặt" khu vực này từ phía Tây (Ấn Độ) và phía Đông (Indonesia).

Ở bên kia "chiến tuyến", ông lớn TMĐT Trung Quốc cũng không chấp nhận giậm chân tại chỗ. Alibaba đã chi 1 tỷ USD để nắm giữ cổ phần chi phối Lazada từ công ty mẹ là Rocket Internet. Lazada là hãng TMĐT lớn ở Đông Nam Á (hoạt động chủ yếu ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). Thương vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Alibaba lần này, được xem như một bước tiến đáng kể trong kế hoạch tấn công thị trường Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhờ có Công ty Tài chính Ant Financial (công ty con của Alibaba, vừa huy động được số vốn 4,5 tỷ USD hồi tháng 4), Alibaba còn có thể mở rộng mức ảnh hưởng tại Đông Nam Á thông qua các khoản đầu tư tài chính.

Ai được, ai mất?

Sự tranh giành thị phần giữa các công ty TMĐT lớn sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng còn đối với các nhà bán lẻ và các trang TMĐT hiện tại ở Đông Nam Á thì sao?

Các hãng TMĐT nhỏ chưa có sự chuẩn bị cho những "cú tấn công" dữ dội từ Alibaba hay Amazon. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này ở Ấn Độ khi giá trị của Flipkart bắt đầu sụt giảm. Tại Mỹ, hãng bán lẻ Walmart đã phải chống chọi lại sự tranh giành thị phần của Amazon khi bị "vượt mặt" về giá trị vốn hóa thị trường vào năm 2015.

Cũng trong năm ngoái, Walmart đã phải chi đến 10,5 tỷ USD để đầu tư cho công nghệ thông tin. Xét về mặt này, các nhà bán lẻ ở Đông Nam Á khó có thể chuẩn bị tốt hơn Walmart, trong khi họ lại sắp phải đối mặt với hai "ông lớn" đã chuẩn bị sẵn sàng cho một "trận chiến vung tiền".

Liệu những tập đoàn, công ty lớn và chính phủ các nước Đông Nam Á sẽ làm gì để hỗ trợ DN trong nước trước "cuộc đổ bộ” của những "gã khổng lồ” này, đặc biệt là các DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ còn non trẻ? Mặc dù tốt cho người tiêu dùng, nhưng liệu Amazon và Alibaba có đem đến lợi ích thực sự cho nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á?

Có thể nói, khu vực Đông Nam Á đang đóng vai trò quyết định đối với số phận của Amazon và Alibaba trong kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu. Dĩ nhiên Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi cũng là những mục tiêu quan trọng nhưng có xu hướng mang tính dài hạn vì thị trường Đông Nam Á chín muồi hơn.

Thị trường Đông Nam Á những năm gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, các công ty công nghệ, DN sáng tạo cũng như một hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc được cả hai ông lớn TMĐT Mỹ và Trung Quốc để mắt đến, sẽ giúp mang đến các giá trị cộng thêm hay sẽ lấy đi bớt "phù sa" của thị trường Đông Nam Á? Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số.

Theo DNSG

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang