HIGG là một công cụ tự đánh giá trực tuyến tiêu chuẩn hóa biện pháp đo lường tác động môi trường và xã hội trong ngành dệt may, giày dép và thời trang. Đồng thời, đây cũng là công cụ báo cáo bền vững tiêu chuẩn được sử dụng bởi hơn 8.000 nhà sản xuất và 150 nhãn hiệu toàn cầu. Công cụ này giúp loại bỏ việc tự đánh giá dễ trùng lặp và giúp xác định cơ hội cải tiến hiệu suất làm việc.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Sợi Phú Việt (Khu công nghiệp Phú Bài, Huế). Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong “Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của Bộ Công Thương ban hành ngày 10/3/2008 đã chỉ ra rất cụ thể. Đó là, “triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong ngành dệt may; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt cho người lao động theo tiêu chuẩn SA 8000".
Hơn 10 năm qua, tiêu chí có phần đơn sơ trên đã không còn phù hợp và đến lúc này các doanh nghiệp cần nhìn nhận, xây dựng hoàn thiện hơn chiến lược phát triển ngành dệt may hướng đến phát triển bền vững.
Hội thảo là cơ hội để các cơ quan Chính phủ, Viện nghiên cứu, trường đại học và nhiều tổ chức quốc tế, công đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI cùng nhìn nhận tầm nhìn chiến lược của ngành dệt may Việt Nam tới năm 2030-2035 và xa hơn.
Qua khảo sát sơ bộ tại các hơn 200 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, có gần 70% doanh nghiệp có biết và “nghe qua” chỉ số HIGG nhưng chỉ có 20,8% trong số đó đã từng thử áp dụng HIGG vào thực tiễn và chỉ áp dụng khi có sự yêu cầu của các nhãn hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tự bỏ tiền ra để áp dụng HIGG còn thấp hơn do chi phí còn khá cao.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú đã chia sẻ về việc áp dụng chỉ số HIGG tại doanh nghiệp mình. Công ty có mong muốn mời chuyên gia bên phía Hongkong (Trung Quốc) về đào tạo nhưng chi phí đào tạo cho một nhà máy khá cao và nếu mời cho tất cả các nhà máy thì tổng chi phí đào tạo sẽ rất lớn.
Tại hội thảo Ông Jason Kibbey Giám đốc điều hành Liên minh May mặc bền vững đã chia sẻ tới các doanh nghiệp dệt may về việc áp dụng chỉ số HIGG trong thực tiễn để có được niềm tin của khách hàng, từ đó phát triển đơn hàng và gia tăng lợi nhuận và trách nhiệm xã hội.
Ông Jason Kibbey cho biết, SAC thực hiện sản xuất bền vững với chuỗi cung ứng hơn 100 thành viên, chiếm hơn 1/3 ngành dệt may toàn cầu và chỉ số HIGG là công cụ đo lường tiêu chuẩn cần thiết. Bởi, các doanh nghiệp thực hiện mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm xuất đi các nước Mỹ, EU đều cần có chỉ số này./.
Theo Bnews