Với sự phát triển khá mạnh mẽ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, không ít ý kiến cho rằng bán lẻ truyền thống sẽ dần bị lép vế, thậm chí có thể bị “khai tử” trong tương lai không xa. Tuy nhiên đến nay, thị trường vẫn chưa chứng kiến sự thay đổi nhiều. Ngược lại phân khúc bán lẻ truyền thống tại Việt Nam vẫn đang có xu hướng phát triển khá tốt.
Siêu thị bán lẻ vẫn chiếm ưu thế trong hệ thống phân phối hàng hóa. Nguồn: internet
Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn đầu tư vào bất động sản bán lẻ giảm không có nghĩa là do ảnh hưởng của công nghệ. Mà đúng hơn là do thị trường nhận ra sự thay đổi về bản chất và các cửa hàng đang làm mới để trở nên phù hợp hơn với thời đại số. Các cửa hàng bán lẻ offline vẫn đang tồn tại và phát triển tốt.
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh doanh tháng 4/2018 của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), ghi nhận doanh thu thuần 29.699 tỷ đồng, doanh thu online 3.551 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.044 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh (bao gồm Trần Anh) đóng góp 55% doanh thu thuần của MWG. Tiếp đó chuỗi Thế Giới Di Động với 42% và chuỗi Bách Hoá Xanh với 3%.
Trong cơ cấu doanh thu theo ngành hàng, 53% của 29.699 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và phụ kiện; 44% của doanh thu thuần đóng góp bởi doanh số các sản phẩm điện máy, phần còn lại đến từ thực phẩm và hàng tiêu dùng (FMCG).
Trong quý II/2018, chuỗi Điện Máy Xanh đưa thêm 8 cửa hàng mới đi vào hoạt động. Đó là kết quả nỗ lực của MWG tiếp tục mở mới và chuyển đổi từ một số cửa hàng Thế Giới Di Động tại những địa điểm có khả năng tăng doanh thu. Chuỗi Bách Hoá Xanh có 367 cửa hàng, hiện diện tại 19/24 quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh. Sự thay đổi gần đây trong chiến lược lựa chọn địa điểm mở cửa hàng ở những trục đường dẫn, thay vì len lỏi sâu vào khu dân cư bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực…
Hệ thống bán lẻ của tập đoàn Vingroup cũng phát triển vượt bật trong những năm gần đây. Năm 2017, hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ được xếp hạng nằm trong top 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất và đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 nhà bán lẻ uy tín năm 2017 theo thống kê của Vietnam Report.
Với mong muốn đem đến mô hình bán lẻ đa dạng, hiện đại; nơi an tâm mua sắm cho mọi gia đình, VinMart và VinMart+ phát triển với tốc độ kỷ lục, trở thành chuỗi siêu thị và cửa hàng có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Theo bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Vincommerce, đến ngày 31/12/2017 hệ thống có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam.
Hệ thống có tổng diện tích mặt bằng kinh doanh hơn 300.000m2 và số lượng nhân sự đạt khoảng 11.000 người. VinMart và VinMart+ hiện tại đang cung cấp hơn 40.000 mã sản phẩm phong phú với ngành hàng chủ lực thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế, thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, bông vải sợi, văn phòng phẩm, đồ chơi... của hàng trăm nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế… Theo kế hoạch, VinMart & VinMart+ sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển với mục tiêu đạt 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc vào năm 2020.
Theo nhận định của các chuyên gia, với tâm lý tiêu dùng của người dân Việt Nam, cả hai kênh bán lẻ truyền thống và trực tuyến đều có thể được khách hàng lựa chọn sử dụng.
David Gialanella - Giám đốc điều hành Dịch vụ bán lẻ toàn cầu của Savills Studley chia sẻ, việc các đơn vị bán lẻ sử dụng công nghệ phân tích dự báo và hệ thống điểm phân phối làm giảm lượng khách tới cửa hàng. Nhưng tăng doanh thu bằng cách liên hệ thói quen mua sắm của khách hàng đến các kho phân phối quanh đó. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, các đơn vị bán lẻ ngày nay có thể dự đoán chính xác hơn thị hiếu tiêu dùng của khách hàng để lưu trữ hàng hóa gần hơn, để tiện giao hàng hoặc đảm bảo cửa hàng gần đó có hàng trong kho.
Thời gian tới, thị trường bán lẻ sẽ còn có nhiều thay đổi hơn nữa khi các đơn vị bán lẻ áp dụng công nghệ mới, từ việc sử dụng cảm ứng trong cửa hàng đến dữ liệu lớn, sử dụng một cách sáng tạo trải nghiệm mua hàng và ứng dụng mạng xã hội.
Việc áp dụng công nghệ vào bán lẻ đang ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng đã và đang dẫn đến những phản hồi khác nhau từ khía cạnh bất động sản. Trong đó, công tác kho vận cũng quan trọng như trang web, và các cửa hàng thực tế vẫn còn nắm vai trò tạo ra không gian trải nghiệm nhằm lôi kéo và giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư và các doanh nghiệp bán lẻ cần lưu ý sự thay đổi trong mục đích sử dụng của cửa hàng trong thực tế khi đánh giá giá trị của nó. Phương pháp lấy giá thuê cố định truyền thống dường như đã trở nên lạc hậu.
Hiện tại, nhà đầu tư nên chú trọng hơn đến việc phát triển và quản lý một mặt bằng phù hợp. Điều này có nghĩa, cần mối quan hệ hợp tác mật thiết hơn với khách thuê để đem đến những môi trường hấp dẫn để gia tăng doanh số trực tuyến và tại cửa hàng. Các chủ đầu tư nhạy bén có thể tăng cường cung cấp một gói dịch vụ kết hợp mặt bằng bán lẻ và kho vận với giá thuê… Bất động sản bán lẻ vẫn nắm giữ vai trò quan trọng tại thời điểm này.
Theo TBNH