BIC được trao tặng nhiều giải thưởng uy tín trong năm 2016
Theo đuổi mục tiêu hiệu quả, an toàn
Không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, năm 2016, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) theo đuổi mục tiêu hiệu quả, quản lý rủi ro chặt chẽ, lựa chọn các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp. Vì vậy kết thúc năm 2016 tốc độ tăng tưởng của BIC có chững lại so với năm 2015, tuy nhiên chiến lược này đã giúp BIC phát triển bền vững, ổn định và đem lại hiệu quả, an toàn, chắc chắn cho các cổ đông và nhà đầu tư.
Theo đó, năm 2016 tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC đạt 1.671 tỷ đồng, tăng trưởng 13%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.476 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2015 (cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn thị trường - ước khoảng 12,5%). Lợi nhuận trước thuế của BIC đạt 137,8 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.Tỷ lệ nợ phí đạt mức thấp nhất từ trước đến nay ở mức 3,1% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Từ khi thành lập, BIC là một trong các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững nhưng tới 2016 có sự chững lại, theo Tổng Giám đốc Trần Hoài An, là do BIC kiên trì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu hiệu quả nên đã đưa ra nhiều chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, lựa chọn các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các nghiệp vụ như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới mặc dù trên thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.
Tại thị trường hải ngoại, so với các năm trước đây, hoạt động kinh doanh của 2 liên doanh bảo hiểm tại Lào (LVI) và Campuchia (CVI) của BIC trong năm 2016 cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đó, tại thị trường bảo hiểm Lào cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp bảo hiểm đều áp dụng giảm phí, tăng hoa hồng, chi phí để lôi kéo khách hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bồi thường tăng cao, lãi suất huy động vốn tại Lào giảm mạnh… cũng là các yếu tố ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh của LVI. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm, LVI vẫn tiếp tục duy trì được vị trí thứ 2 về thị phần và vị trí dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trên vốn tại thị trường bảo hiểm Lào.
Tại thị trường bảo hiểm Campuchia, đặc điểm chi phí khai thác cao, đặc biệt là các chi phí thuế, luôn là rào cản đối với hiệu quả kinh doanh của CVI trong các năm qua. Mặc dù vậy, với phương châm hoạt động an toàn và hiệu quả, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của CVI tăng trưởng ấn tượng 40,9% so với năm 2015. Đặc biệt, CVI tiếp tục khẳng định được vị thế là nhà bảo hiểm dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm hàng không với thị phần lên tới trên 80%.
Những thành quả đã được ghi nhận
Trước những kết quả kinh doanh khả quan, năm 2016 BIC đã được A.M. Best tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ ổn định lên tích cực và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính là B+ (Tốt), xếp hạng năng lực tổ chức phát hành là bbb-. Đặc biệt, BIC là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được Bộ Tài chính công nhận có chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán.
BIC cũng được xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, lần thứ 3 liên tiếp được lựa chọn vào Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, lần thứ 7 liên tiếp đứng trong Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, đồng thời, tiếp tục được bầu chọn là 1 trong 100 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.
Chia sẻ về những định hướng kinh doanh năm 2017, Tổng Giám đốc Trần Hoài An cho biết, BIC sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tập trung các giải pháp để tăng trưởng bền vững, an toàn, gia tăng thị phần và vị thế của BIC trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Bên cạnh đó, BIC cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2017 đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 186 tỷ đồng, tập trung xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng./.
Theo TBTC