Bộ Công Thương: Kết nối cung - cầu, tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Bộ Công Thương: Kết nối cung - cầu, tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Giải pháp quan trọng hàng đầu của Bộ Công Thương trong thời gian tới là chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối cung - cầu để tìm đầu ra ổn định cho nông sản.


Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2018, các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng và giá giảm. Đáng lưu ý, đối với mặt hàng thịt lợn, quy mô chăn nuôi giảm mạnh, mặc dù, nguồn cung vẫn đủ nhưng tâm lý giữ hàng khiến giá tăng so với cùng kỳ năm 2017. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

vthieutha.jpg

Người tiêu dùng mua vải thiều tại ''Tuần lễ đặc sản vải thiều Thanh Hà chính hiệu tại Hà Nội''.

Nhờ vậy, thị trường trong nước tiếp tục được duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 5 đạt 354.049 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 5 tháng, đạt 1.752,689 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Bộ Công Thương, đây là mức tăng khá cao, cho thấy kinh tế trong nước tiếp tục có sự phát triển, người dân tăng chi tiêu cho các nhu cầu của mình.

Nhận định về xu hướng của thị trường trong nước những tháng tiếp theo, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hàng loạt nông sản của nước ta như vải, nhãn, xoài... được mùa, chất lượng tốt. Do đó, giải pháp quan trọng hàng đầu của Bộ Công Thương trong thời gian tới là chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối cung - cầu để tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Về lâu dài, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản, từ sản xuất đến hệ thống phân phối, hạn chế tối đa những bất ổn trong khâu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm, dẫn đến tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao do bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông. Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp. Đồng thời, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao trong quý II/2018, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm 2018.

Ngoài ra, hiện nay, hạ tầng thương mại trong nước xét về tổng thể vẫn còn yếu kém và lạc hậu, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển của ngành thương mại và phát triển thị trường trong nước. Do đó, Vụ Thị trường trong nước sẽ tham mưu cho Bộ Công Thương tiếp tục củng cố và kiện toàn hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm. Đặc biệt, nâng cao sức cạnh tranh của DN trong ngành bán buôn, bán lẻ trước những thách thức to lớn từ việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại nội địa như trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối... nhằm tạo điều kiện cho thị trường trong nước phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

 

Theo KTĐT 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang