Chế biến sâu tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng tôm Việt Nam

Chế biến sâu tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng tôm Việt Nam

Năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam đem về 3,9 tỷ USD; trong đó, sản phẩm tôm chế biến sâu chiếm hơn 40% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm. Hiện Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ chế biến sâu mặt hàng tôm, đây là lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Nguồn:Vneconomy

Chế biên tôm ngày càng tạo ra đa dạng sản phẩm.

Chế biên tôm ngày càng tạo ra đa dạng sản phẩm.

Lĩnh vực chế biến tôm ngày càng tạo ra đa dạng sản phẩm. Các mặt hàng tôm chế biến sâu đang có thế mạnh của Việt Nam như: tôm hấp, tôm tẩm bột, tôm tẩm bột chiên xù, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...

Xuất khẩu tôm tẩm bột của Việt Nam sang hoa kỳ tăng 33%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu 762.804 tấn tôm, giảm 3% so với năm 2023 và giảm 15% so với mức đỉnh của năm 2021. 

Đáng chú ý, cuộc đua cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ đang có sự diễn biến khác nhau giữa các sản phẩm. Những năm gần đây, Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm tăng trưởng nhanh nhất cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôm còn vỏ xuất xứ từ Ecuador nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2024 đã giảm 17% so với năm 2023.

Trong khi đó, cung cấp tôm còn vỏ của Ấn Độ cho Hoa Kỳ cũng giảm 13% so với năm 2023, nguồn cung của Indonesia không thay đổi, và nguồn cung của Việt Nam tăng nhẹ 5% so với năm 2023. Ecuador tiếp tục thống trị phân khúc sản phẩm này với thị phần 48%.

Đối với phân khúc tôm đã bóc vỏ, tình hình có chút khác biệt. Nguồn cung từ Ecuador và Ấn Độ tăng nhẹ (mỗi nước 2%), nguồn cung của Indonesia giảm 15% và nguồn cung của Việt Nam tăng 21%. Ấn Độ tiếp tục thống trị phân khúc sản phẩm này với thị phần 57% trong năm 2024.

Tại thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ cũng giữ vị trí dẫn đầu phân khúc tôm hấp chín và tẩm gia vị với thị phần 40%. Nguồn cung từ Indonesia trong phân khúc này giảm 16%, trong khi nguồn cung cấp từ Việt Nam ổn định. Việt Nam đang dần tiếp cận vị trí thứ hai của Indonesia trong phân khúc này và nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục, Việt Nam có thể sẽ vượt qua Indonesia trong năm 2025. Trong khi đó, thị phần tôm hấp chín và tẩm gia vị của Ecuador vẫn nhỏ, chỉ chiếm 4%.

Đối với sản phẩm tôm tẩm bột, mặc dù Indonesia vẫn là nhà cung cấp tôm tẩm bột lớn nhất cho Hoa Kỳ trong năm 2024 với thị phần 42%, Việt Nam cũng đang cạnh tranh với Indonesia trong phân khúc này. Cụ thể, xuất khẩu tôm tẩm bột của Việt Nam đã tăng 33% trong năm 2024, trong khi nguồn cung của Indonesia chỉ tăng 5%.

Với thị phần hiện tại là 28%, Việt Nam và Indonesia chiếm 70% thị trường tôm tẩm bột tại Hoa Kỳ. Nguồn cung sản phẩm này từ Ấn Độ đã tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ chiếm thị phần 4%. Nguồn cung tôm tẩm bột từ Ecuador xuất khẩu vào Hoa Kỳ giảm 20% so với năm 2023 và hiện chiếm thị phần 7%.

Theo VASEP, với xu hướng tăng trưởng tốt trong năm 2024, tôm hấp, tẩm gia vị và tẩm bột không phải là đối tượng bị áp thuế, nên Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để tăng xuất khẩu nhóm các mặt hàng tôm chế biến sâu này sang Hoa Kỳ.

“Sự kiện ông Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và đưa ra hàng loạt những quy định mới về thuế có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới. Với kế hoạch tăng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam”, VASEP nhận định.

Tăng chế biến sâu

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, trong năm 2024, ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi lớn khi Trung Quốc vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Sự thay đổi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng, phản ánh những biến động trong nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu. Trung Quốc không chỉ gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam mà còn giảm nhập khẩu từ các thị trường khác như Ecuador, tạo cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Bà Kim Thu cho hay nếu như tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng với các sản phẩm tôm tẩm bột, tôm tẩm bột chiên xù, thì tại thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng sản phẩm tôm sú hấp với màu đỏ bắt mắt. Để tạo ra sản phẩm chất lượng và mẫu mã làm hài lòng khách hàng, công nghệ chế biến đóng vai trò rất lớn.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng Việt Nam chế biến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mà Ecuador và Ấn Độ không chế biến được, hoặc chế biến được ít nên tôm Việt chế biến có thế mạnh. Ấn Độ và Ecuador nếu có ý định xuất khẩu tôm chế biến sang các thị trường, có thể phải mất 5 - 10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm Việt hiện nay.

"Đặc biệt, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Chưa kể, người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng có lợi thế”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ chế biến sâu mặt hàng tôm. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...

Mặc dù công nghệ chế biến hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cho con tôm chế biến, nhưng cũng cần có những yếu tố như bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Theo ông Lực, ngành tôm thế giới đang cạnh tranh ngày càng gay gắt, vì vậy chế biến sâu chính là giải pháp để chiến thắng trên thị trường, phát triển ổn định ngành hàng này.

Nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác.

"Để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt cần phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần", ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

Vneconomy
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang