Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp từ bao bì xanh

Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp từ bao bì xanh

Xanh hóa bao bì không chỉ là xu hướng mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững của khách hàng và thị trường.

Nguồn:Thời báo ngân hàng

Bao bì xanh trở thành cơ hội cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp

Bao bì xanh trở thành cơ hội cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp

Người dân, doanh nghiệp đều cần

Theo một khảo sát về xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có tới 95% người tiêu dùng được khảo sát đã có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày; 73% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nhựa và 44% người tiêu dùng tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới...

Nắm bắt được điều đó, nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong trong sử dụng bao bì xanh. Năm 2021, Orion đã ra mắt các sản phẩm đầu tiên trong dự án “bao bì hiền lành” bằng việc thay đổi thiết kế, cải thiện chất liệu bao bì và khắc chế những tác động tiêu cực từ mực in. Chia sẻ rõ hơn về dự án này, đại diện Orion cho biết, mực in có thể chứa các hóa chất độc hại như kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Công ty đã đưa ra tiêu chuẩn dựa trên 5 yếu tố cốt lõi là sử dụng vật liệu có thể tái chế hoặc có nguồn gốc tái chế, giảm thiểu hàm lượng nhựa, giảm hàm lượng mực in, giảm kích thước bao bì, sử dụng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc phân hủy sinh học… Các hoạt động liên quan trên dự kiến góp phần giảm thiểu hơn 57 tấn mực in, 57 tấn bao bì màng làm từ nhựa và 122 tấn giấy ra môi trường mỗi năm.

Việc chuyển sang đẩy mạnh đầu tư bao bì thân thiện với môi trường còn góp phần tăng hiệu quả kinh doanh. Đại diện Công ty cổ phần Bibica cho biết, đang giảm dần sử dụng bao bì nylon để đóng gói sản phẩm và thay bằng các loại bao bì giấy thân thiện môi trường. Việc chuyển đổi này cho thấy hiệu quả kinh doanh cao. Đơn cử, bánh bông lan Hura là dòng sản phẩm tiêu biểu của công ty gần 20 năm và bao bì đóng gói của sản phẩm có sử dụng màng co nhựa được nhiều khách hàng nhận diện. Do đó, trong khi vẫn duy trì bao bì cho dòng sản phẩm này, công ty cũng đồng thời phát triển thêm dòng sản phẩm bánh bông lan Hura cao cấp với bao bì hoàn toàn sử dụng nguyên liệu giấy. Chỉ sau 7 năm, lượng tiêu thụ Hura bao bì giấy vượt xa Hura sử dụng màng co nhựa. Lượng bán hàng Hura bao bì giấy tăng trưởng 150% mỗi năm cho thấy người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường.

Thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ

Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, việc đầu tư sản xuất bao bì thân thiện với môi trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là giá thành bao bì sinh học thân thiện với môi trường khá cao. Bên cạnh đó, để xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng nhận kiểm nghiệm của các nước sở tại vô cùng khắt khe. Trong khi nguồn vốn để đầu tư sản xuất, xanh hóa bao bì thực phẩm rất hạn chế, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do vậy, một chuyên gia cho rằng, xanh hóa bao bì sản phẩm không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, mà còn cần sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành, địa phương. Trong đó không ít doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực tái chế bao bì như việc hỗ trợ tiếp cận vốn xanh, ưu đãi thuế, trợ giá sản phẩm…

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mong muốn Nhà nước, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực... để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặt khác, cần có một khung pháp lý rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững; tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các chính sách được ban hành kịp thời không chỉ giúp tạo ra động lực cho doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân, hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Thời báo ngân hàng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang