Chìa khóa để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vượt qua thách thức

Chìa khóa để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vượt qua thách thức

Trong bối cảnh giá nhân công không còn là lợi thế cạnh tranh, để phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung khai thác các lợi thế khác.

Nguồn:Vietnamplus

Doanh nghiệp giới thiệu máy móc, thiết bị mới tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024). (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường về phát triển bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những cách tiếp cận sáng tạo, từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về phát triển bền vững.

Chủ động thích ứng, đồng bộ các giải pháp chính là chìa khóa, là cách thức mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang áp dụng để vượt qua thách thức, giữ vững vị thế là một trong 3 nhà cung ứng dệt may hàng đầu thế giới.

Chủ động thích ứng

Chia sẻ về hành trình hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng Tuân thủ và Phát triển bền vững công ty Saitex International Đồng Nai (VN), cho biết ngay từ năm 2010 lãnh đạo công ty đã suy nghĩ đến việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Công ty đã thành lập bộ phận phát triển bền vững với nhân sự từ cấp lãnh đạo cao nhất đến trưởng các phòng ban của doanh nghiệp để thống nhất việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, xác định, 3 trụ cột chính là con người, hành tinh và đổi mới.

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, từ chủ động thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, môi trường, đến chủ động thực hành các tiêu chuẩn quốc tế về dệt may xanh và bền vững, đến năm 2022, công ty đã hoàn tất được vòng kinh tế tuần hoàn từ nhà máy vải, đến nhà máy giặt, nhà máy may và cuối cùng là nhà máy tái chế.

Công ty đã chủ động kiểm kê khí thải nhà kính từ năm 2022, nên có thể tính toán được lượng nước và năng lượng để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm, từ đó có thể tối ưu hóa được sản xuất.

Về sử dụng hóa chất, công ty minh bạch số liệu trên hệ thống ZDHC toàn cầu; có hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho chu trình giặt.

Hiện công ty đặt mục tiêu không xả thải nước, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2030.

Khác với Saitex International Đồng Nai (VN), Faslink - một doanh nghiệp dệt may Việt Nam khá nổi tiếng ở lĩnh vực ứng dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường lại tiếp cận hành trình phát triển bền vững từ nguồn nguyên liệu và ứng dụng công nghệ.

Ông Võ Thành Phước, Giám đốc phát triển Faslink, cho biết công ty bắt đầu cung cấp ra thị trường vải từ sợi tre vào năm 2010. Năm 2014, công ty phát triển được vải sợi tính năng từ polyester; năm 2016 là vải từ sợi sen; năm 2018 là vải từ sợi cà phê và từ hàu; năm 2020 là vải từ sợi bạc hà. Giai đoạn 2024-2026, Faslink tập trung phát triển các sản phẩm từ sợi polyester tính năng, sợi polyester tái chế từ quần áo cũ, vì nhận thấy các sản phẩm có gốc poly dễ tái chế sau khi sử dụng hơn.

Cùng với việc sử dụng nguyên liệu bền vững, Faslink ứng dụng các công nghệ mới như: công nghệ 3D để tạo ra mẫu điện tử thay vì may mẫu vật lý, tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu, giảm thiểu tác động đối với môi trường; sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để có những định hướng phát triển phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Hiện Faslink là đối tác của khoảng 60 nhãn hàng thời trang và cung ứng đồng phục cho hơn 500 doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Faslink còn mở rộng xuất khẩu ra thị trường Asean, Nhật Bản và Mỹ.

ttxvn_det_may_1_resize.jpg

May hàng xuất khẩu . (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Là một một doanh nghiệp vừa và nhỏ, BOO là công ty Việt Nam chuyên sản xuất hàng thời trang dành cho giới trẻ, có cách tiếp cận phát triển bền vững dựa trên 4 trụ cột là sản xuất xanh - cửa hàng xanh - văn phòng xanh và dự án xanh.

Với quan niệm “nếu chúng ta kiên trì, nỗ lực thay đổi từng việc nhỏ mỗi ngày, chúng ta sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn hơn trong tương lai,” ông Đỗ Việt Anh, Giám đốc điều hành BOO, cho biết 60% sản phẩm dệt thoi và dệt kim của BOO đã được xanh hóa; trong đó, 72% sản phẩm dệt kim của BOO đều sử dụng vải USC/USCB từ bông Mỹ để đảm bảo tiêu chuẩn về phát triển bền vững mặc dù chi phí cao hơn.

Ngoài ra, BOO còn giảm thiểu mực in, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, tối thiểu bao bì đóng gói, 100% túi đóng hàng được làm từ nhựa/giấy tái chế. Mỗi cửa hàng được xây dựng là điểm đến xanh. Văn hóa sống xanh là văn hóa nội bộ của công ty. Đồng thời, công ty còn thực hiện các dự án xanh như Tắt đèn bật ý tưởng, 2.000 màu xanh…, để thúc đẩy, nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của BOO thời gian tới là không cạnh tranh bằng giá thành, mà cạnh tranh bằng những giá trị cốt lõi, đặc biệt là yếu tố bền vững.

Đồng bộ giải pháp

Trong bối cảnh giá nhân công không còn là lợi thế cạnh tranh, để phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung khai thác các lợi thế khác bên cạnh giá nhân công.

Theo ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà ngành dệt may Việt Nam cần theo đuổi để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về phát triển bền vững và minh bạch trong sản xuất, tận dụng tối đa lợi thế do các hiệp định thương mại tự do (FATA) mang lại.

Hiện Việt Nam đang nắm giữ vị thế đặc biệt khi là quốc gia có FTA với tất cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga, Anh, Nhật Bản. Ngành dệt may Việt Nam cũng đã thu hút khoảng 3.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 37 tỷ USD.

Theo bà Dương Thùy Linh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), các doanh nghiệp cần làm chủ quy trình sản xuất với giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất, tiêu chuẩn áp dụng, chủ động lựa chọn các nhà cung ứng có truy xuất nguồn gốc minh bạch. Qua đó, khẳng định năng lực và lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới là chất lượng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ từ góc độ chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về ngành thời trang, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cho rằng các doanh nghiệp không nên cạnh tranh bằng giá mà nên cạnh tranh bằng giá trị, chất lượng, thương hiệu, năng lực sản xuất và tiêu chuẩn của nhà máy.

Vì bán giá rẻ, doanh nghiệp rất dễ bị các nước lấy cớ điều tra bán phá giá. Việt Nam vẫn chưa được một số nước công nhận có nền kinh tế thị trường, nên khi điều tra, họ đều sử dụng chi phí cao của nước khác làm cơ sở tham chiếu. Do vậy, giá rẻ mà bị áp thuế bán phá giá thì giá cũng bị tăng lên.

Chia sẻ từ góc độ chuyên gia về chuyển đổi số, theo ông Tim Nguyễn, Cố vấn chiến lược Công ty Chekee, để chuyển đổi thành công, các doanh nghiệp phải chuyển đổi từ tư duy nhận thức. Nếu không chuyển đổi được nhận thức, các doanh nghiệp sẽ chỉ cạnh tranh trong nước với nhau. Các doanh nghiệp phải xây dựng cho được quy trình vận hành tiêu chuẩn thật sự khoa học, từ đó mới có thể chuyển đổi số hiệu quả.

ttxvn_det_may_7.jpg

Sản xuất phụ liệu dệt may ở ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chia sẻ từ góc độ công ty kiểm định, chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế cho ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng kinh doanh khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Lloyds Register, cho rằng điểm mạnh của dệt may Việt Nam là đã tạo được môi trường an toàn cho người lao động. Do vậy, Việt Nam cần quảng bá rộng rãi hơn để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Theo bà Thúy, để thực hành tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, mà chỉ cần thực hiện 1 trong 17 mục tiêu đó, chia nhỏ các hạng mục, các chỉ số cần thực hiện phù hợp với nhà máy của mình.

Các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp số liệu lên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế như Hig FEM, ZDHC, BSCI... Vì tất cả các nhà mua hàng quốc tế luôn tìm nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn trên các nền tảng này. Ngược lại, đây cũng là các nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam tìm được nhà cung ứng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

Đồng quan điểm, chia sẻ từ góc độ danh nghiệp đã có những thành công nhất định trên con đường phát triển bền vững, bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh cho biết để đạt được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, trước hết, các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vì luật Việt Nam đều được xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Thực hiện tốt luật Việt Nam, sẽ tạo cơ sở cho doanh nghiệp thực hành tốt và đạt được các chứng nhận quốc tế.

Chia sẻ từ góc độ nhãn hàng thời trang hàng đầu thế giới, ông Trần Lĩnh, Quản lý sản xuất Công ty Adidas Sourcing Vietnam, cho rằng để thu hút các công ty hàng đầu đang dịch chuyển chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam phải tối ưu về mặt chi phí, rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm các khâu trung gian, giảm sự phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp chính. Hiện Adidas đang triển khai chiến lược nội địa cho nội địa (local-to-local) để kéo các nhà cung ứng về đầu tư tại Việt Nam, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất.

Từ góc độ doanh nghiệp đang trên hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, ông Đỗ Việt Anh cho rằng các doanh nghiệp cần phải giải cho được bào toán cân bằng về tài chính. Doanh nghiệp phải tồn tại thì mới có thể thực hiện được các “ước mơ xanh.” Do vậy, việc đầu tư nên chia thành từng giai đoạn nhỏ để kiểm thử; trong đó, cho phép khách hàng lựa chọn giữa sản phẩm xanh và sản phẩm giá thành tiêu chuẩn./.

Vietnamplus
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang