Chuỗi đồ uống tung chiến lược mới, chạy đua trong mùa Tết Trung Thu

Chuỗi đồ uống tung chiến lược mới, chạy đua trong mùa Tết Trung Thu

Sữa chua trân châu Hạ Long chi gần nửa tỉ đồng để thay áo mới cho quán, trong khi Cộng Cà Phê, Starbucks, The Coffee House lại đổ tiền làm bánh trung thu sang chảnh, giá lên tới cả triệu bạc.


Tết Trung Thu năm nay đến vào thời điểm Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, các hoạt động kinh doanh sản xuất đang được phục hồi, sau hơn nửa năm gần như bị đóng băng, trì trệ.

Đây cũng là cơ hội để các chuỗi đồ uống tên tuổi trên thị trường như Phúc Long, The Coffee House, Starbucks... hay tay chơi mới là Sữa chua trân châu Hạ Long thu hút khách hàng, tăng tốc doanh số trong nửa cuối năm 2020.

Rất nhanh chóng, ngay từ giữa tháng 9, Coffee House đã đổ tiền vào làm bánh Trung Thu sang chảnh với mức giá lên tới cả triệu đồng. Tương tự, Cộng Cà Phê cũng đã ra mắt thương hiệu bánh Trung Thu cao cấp của riêng mình với gần chục loại hương vị khác nhau.

Không chọn làm bánh hay đổi mới menu, thương hiệu mới là Sữa chua trân châu Hạ Long lại bỏ ra gần nửa tỉ đồng để phủ đỏ cửa hiệu, biến nơi đây thành điểm check in Tết Trung Thu mới của giới trẻ.

Nhuộm đỏ "cung điện" Sữa chua trân châu Hạ Long để đón Trung Thu

Sữa Chua Trân Châu Hạ Long cơ sở 100 từ lâu đã được mệnh danh là "lâu đài nhỏ" của chuỗi cửa hàng, bởi qui mô hết sức hoành tráng, gồm hai tầng lầu nằm tại Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn.

Mùa Tết Trung Thu năm nay, Sữa chua trân châu Hạ Long quyết định chơi lớn khi "nhuộm đỏ" toàn bộ toà nhà màu trắng, từ mặt tiền đến nội thất bên trong, để thu hút giới trẻ đến cửa hàng check in.

Đại chiến chuỗi đồ uống trong mùa Tết Trung Thu - Ảnh 1.

Sữa chua trân châu Hạ Long chơi lớn nhuộm đỏ cả toà nhà để đón Tết Trung Thu. (Ảnh: Sữa chua trân châu Hạ Long).

Cửa hàng được thiết kế theo phong cách cung đình thời Lí với màu tường đỏ đô trầm kết hợp với mái vạt ngói đen tuyền. Tiểu cảnh hậu cung hoàng hậu, rèm hai lớp, cùng hàng nghìn dải lụa đỏ may mắn và hơn 100 chiếc đèn lồng,... đã tạo ra một phong cách đậm chất dân tộc tại đây.

Đại diện chuỗi này cho biết, doanh nghiệp đã phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng để cải tạo, mang lại diện mạo mới cho chuỗi nhằm thu hút khách hàng quay trở lại sau khoảng thời gian kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh.

Mới chỉ đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, nhưng rất nhanh chóng chuỗi Sữa chua trân châu Hạ Long trở thành một hiện tượng trong làng startup Việt Nam khi liên tục mở rộng, nhượng quyền thương hiệu.

Đến nay, chuỗi này đã sở hữu hơn 114 cơ sở, phủ sóng tại khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Ninh Bình,...

Theo đại diện chuỗi, mục tiêu đến cuối năm 2020, Sữa chua trân châu Hạ Long có thể đạt hơn 250 quán trên cả nước. Do vậy, Tết Trung Thu chính là dịp để chuỗi này đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ.

Chuyển sang làm bánh Trung Thu giá bạc triệu

Không đổi mới setup cửa hàng như Sữa chua trân châu Hạ Long, những ông lớn trong ngành kinh doanh chuỗi đồ uống như Cộng Cà Phê, The Coffee House hay Starbucks lại chọn việc đầu tư sản xuất các loại bánh trung thu cao cấp để thu hút khách hàng.

Đi đầu trong chiến lược này là The Coffee House, với ba bộ quà tặng gồm: Rằm song phúc, Rằm tứ quí và The Tale Of Cuội. Mức giá các bộ quà tặng này giao động trong khoảng từ 350-750 nghìn đồng/bộ.

Đại chiến chuỗi đồ uống trong mùa Tết Trung Thu - Ảnh 2.

Các chuỗi đồ uống khác lại chọn kinh doanh bánh trung thu trong dịp này. (Ảnh: Cộng Cà Phê).

Trong mỗi bộ sẽ có từ 3-6 loại bánh Trung Thu với hương vị, màu sắc khác nhau, từ vị cà phê, nho khoai môn, gà quay vi cá, táo đỏ hạt sen đến thập cẩm bát bửu, mè đen hạch đào,... Đây là năm thứ 4 liên tiếp The Coffee House tự sản xuất bánh Trung Thu cho thương hiệu riêng của mình tại Việt Nam.

Không đứng ngoài cuộc chơi, Cộng Cà Phê cũng đã nhanh chóng ra mắt thương hiệu bánh Trung Thu cao cấp độc quyền với hơn chục loại bánh tự chọn và 4 bộ quà tặng, có mức giá từ 85-360 nghìn đồng/bộ.

Luôn nhấn mạnh vào yếu tố truyền thống, hương vị bánh Trung Thu do Cộng sản xuất tập trung vào vị phê cốt dừa, thập cẩm truyền thống, nam việt quất trứng muối và trà xanh sữa dừa.,... cũng vì thế mà được lòng thực khách Việt hơn.

Ngoài ra, Cộng Cà Phê còn bán kèm bánh Trung Thu với một ấm trà mạn đặc trưng, giá 85.000 đồng/bộ.

Một thương hiệu đình đám khác trong chuỗi đồ uống là Starbucks Việt Nam cách đây không lâu cũng đã khiến dân tình xôn xao khi nhá hàng hai loại bánh Trung Thu vị cà phê và vị trà xanh trên fanpage của mình.

Tuy nhiên, mẫu bánh này sẽ chỉ được bán độc quyền tại các cửa hàng của Starbucks ở TP HCM.

Như vậy, sau một khoảng thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, chỉ nhận order online, các cửa hàng kinh doanh đồ uống đang rục rịch tái khởi động chiến dịch kéo khách quay trở lại quán.

Có thể bằng việc lấn sân sang làm bánh trung thu hay gây ấn tượng với setup độc lạ, khuyến mại tặng quà khi đặt đồ,... tất cả cũng đều nhằm vớt vát doanh số sau gần một năm kinh doanh đầy khó khăn.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang