Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cùng áp lực cạnh tranh là nguyên nhân kéo lùi doanh thu quí II của hầu hết doanh nghiệp cảng biển. Dù vậy, bên cạnh đó vẫn có những cảng biển vẫn có thông lượng container tăng trưởng.
Nhu cầu vận tải cung ứng giảm kéo lùi thông lượng container tại cảng
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng chảy thương mại và thông lượng container của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chịu tác động tiêu cực từ các lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Cụ thể, các lệnh phong tỏa khiến dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ra làn sóng cắt giảm tần suất vận tải hàng năm nhằm ổn định giá cước.
Theo số liệu của Cục Hàng hải, sản lượng container xuất nhập khẩu trên toàn quốc 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,6% so với cùng kì năm trước.
Số liệu thống kê của VDSC cũng cho thấy sản lượng container qua các cụm cảng biến chính của Việt Nam đều giảm tốc do dịch COVID-19 nhưng có sự phân hóa lớn giữa các khu vực trọng điểm.
Cụ thể, các cảng tại Vũng Tàu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số về sản lượng container nhờ đóng góp từ những tuyến dịch vụ hàng hải đường dài thành lập trong những năm gần đây. Trong khi, sản lượng tại TP HCM gần như đi ngang còn thị trường Hải Phòng chứng kiến mức tăng trưởng âm.
Tính đến thời điểm hiện tại, báo cáo tài chính quí II của các doanh nghiệp cảng biển trên cả ba sàn cho thấy xu hướng chung trong kết quả kinh doanh là doanh thu giảm do áp lực cạnh tranh cao trong khi lợi nhuận diễn biến phân hóa.
Doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận mạnh nhất là ông lớn Gemadept. BCTC hợp nhất của CTCP Gemadept (HOSE: GMD) ghi nhận lãi ròng quí II/2020 đạt 102 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kì năm trước.
Trong kì, doanh thu thuần đạt 607 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kì. Nhờ giá vốn giảm 13%, lãi gộp của công ty giảm nhẹ 3%, còn 257 tỉ đồng. Lãi từ công ty liên kết cũng giảm mạnh 75%, về mức gần 19 tỉ đồng. .
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần giảm 7%, còn 1.208 tỉ đồng. Lãi ròng tương ứng giảm 25% so cùng kì, còn 216 tỉ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính của CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) cho thấy, doanh thu thuần quí II của công ty đạt 235 tỉ đồng, giảm mạnh 27% so với quí II/2019, chủ yếu do doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng giảm từ 272 tỉ đồng còn 192 tỉ đồng. Biên lãi gộp tương ứng giảm từ 41,4% xuống còn 36,5%.
Doanh nghiệp cho biết các tàu nhà hàng không thể hoạt động từ tháng 3 do cách li xã hội và toàn bộ tàu khách quốc tế hủy lịch trong tháng 3 và 4.
Do đó, Cảng Sài Gòn đã chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua việc giảm giá thuê cầu bến cho tàu nhà hàng 50% cho tháng 4 và 5, đồng thời giảm giá dịch vụ lai dắt tàu nội địa, giảm giá lưu kho bãi, cho thuê văn phòng… Kết quả, lợi nhuận sau thuế quí II đạt 72 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kì năm trước.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) ghi nhận kết quả kinh doanh quí II sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, doanh thu thuần quí II của Hải An đạt 262 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kì năm trước. Hoạt động tài chính kém hiệu quả cùng với các chi phí trong kì tăng mạnh đã kéo lợi nhuận sau thuế quí II của HAH giảm gần 14%, còn 36 tỉ đồng.
Sau 6 tháng, công ty ghi nhận 542 tỉ đồng doanh thu, tăng 3% so với nửa đầu năm trước, lợi nhuận sau thuế 68 tỉ đồng, giảm 11%.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch HĐQT Vũ Ngọc Sơn cho biết sản lượng vận tải của Hải An giảm khoảng 15% trong quí II. Mức giảm này sẽ duy trì đến quí III và có thể phục hồi vào quí IV. Tuy nhiên, công ty dự đoán sản lượng vẫn không thể bằng năm 2019.
Nhìn chung, doanh thu của các doanh nghiệp cảng biển đều sụt giảm trong 6 tháng đầu năm do tác động của dịch bệnh. Dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tăng trưởng nhờ giảm chi phí và tăng doanh thu khác.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Mã: VSC) ghi nhận doanh thu thuần quí II giảm gần 17% so với quí I/2019, còn 393 tỉ đồng. Dù vậy, VSC cho biết lượng tàu chuyển ra cảng ngoài giảm góp phần tiết kiệm chi phí, cùng với lãi vay phải trả ngân hàng cũng giảm đáng kể so với cùng kì năm trước giúp thúc đẩy lợi nhuận sau thuế tăng 26%, lên 69 tỉ đồng.
Tính chung 6 tháng, công ty ghi nhận 801 tỉ đồng doanh thu, giảm 11% so với nửa đầu năm 2019. Trái lại, lãi trước thuế tăng 6%, đạt 155 tỉ đồng. Với kết quả trên, VSC đã thực hiện 52% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tương tự, công ty con của VSC - CTCP Cảng Xanh VIP (Mã: VRG) cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận quí II lên tới 20%, đạt 35 tỉ đồng trong khi doanh thu thuần ghi nhận mức giảm 17%, còn 174 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VGR ghi nhận doanh thu 361 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế tăng mạnh 49%, lên 78 tỉ đồng.
Theo BCTC quí II của CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP), doanh thu thuần giảm 14% còn 512 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính giảm 73% so với quí II/2019 giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng 8% lên 159 tỉ đồng. Đáng chú ý, mức lợi nhuận quí II của SGP đã vượt qua ông lớn đầu ngành là Gemadept.
Theo giải trình, chi phí tài chính trong kì giảm từ 22 tỉ đồng còn gần 6 tỉ đồng do công ty hạch toán thoái chi phí trích trước lãi vay cầu 4,5 Chùa Vẽ 5 tháng đầu năm 2020, đồng thời dừng trích trước chi phí lãi vay cầu 4,5 Chùa Vẽ...
Triển vọng phục hồi năm 2021
Đánh giá về triển vọng phục hồi của ngành cảng biểnTheo báo cáo cập nhật triển vọng nửa cuối năm của Chứng khoán Rồng Việt, tổng thông lượng tại cảng biển khó có thể tăng trưởng trong tương lai gần.
Các nhà phân tích VDSC cho rằng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chưa có tác động nhiều đến dòng chảy thương mại của Việt Nam trong ngắn hạn.
Cụ thể, các rào cản kĩ thuật, trong đó có điều kiện về qui tắc xuất xứ có thể cản trở một số sản phẩm đủ điều kiện được cắt giảm thuế quan, chưa kể phần lớn giá trị thương mại của nhiều nhóm hàng hóa được mong đợi sẽ hưởng lợi từ hiệp định thương mại này lại chưa được hưởng ưu đãi thuế ngay.
Cùng với đó, nhóm phân tích VDSC dự báo tổng thông lượng tại các cảng biển Việt Nam gần như đi ngang trong năm và quá trình phục hồi sẽ bắt đầu vào năm 2021.
Trong đó, thông lượng tại các cảng chuyên phục vụ vận tải nội địa sẽ ổn định hơn do tỉ lệ container quốc tế thấp. Trong khi các cảng container quốc tế sẽ chứng kiến mức giảm hai chữ số trong năm nay, ngoại trừ các cảng nước sâu.