Doanh nghiệp Việt và bài toán xuất khẩu xanh

Doanh nghiệp Việt và bài toán xuất khẩu xanh

Để chinh phục thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng vững chắc, chủ động chuyển đổi xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

Nguồn:Lao động

Doanh nghiệp Việt và bài toán xuất khẩu xanh

Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh hóa. Ảnh: Ngọc Lê

Xuất khẩu luôn được xem là đích đến quan trọng của nhiều doanh nghiệp trong quá trình mở rộng hoạt động và nâng tầm thương hiệu ra thị trường quốc tế.

Ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho rằng, để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, trước hết sản phẩm đó phải phát triển vững chắc tại thị trường nội địa, có mặt trong các hệ thống siêu thị và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Tiếp đó, khi muốn thâm nhập vào bất kỳ thị trường xuất khẩu nào, doanh nghiệp cần phải trang bị đầy đủ thông tin về thị trường đó, nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm rõ các quy định cũng như sự khác biệt giữa các thị trường, đồng thời phải có năng lực thích ứng linh hoạt với từng thị trường cụ thể.

Đây chính là cách làm mà nhiều doanh nghiệp lớn đang áp dụng để đạt hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu. Để thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường và xu hướng tiêu dùng mới, doanh nghiệp không chỉ cần chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh hóa, mà còn phải nắm bắt kịp thời các cơ hội do hội nhập kinh tế mang lại.

Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM - cho biết, chuyển đổi xanh đang trở thành bước đi chiến lược của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị bền vững lâu dài và thu hút nguồn vốn đầu tư. Xu hướng tiêu dùng bền vững, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.

Theo khảo sát năm 2023 của Tổ chức Nielsen IQ, có tới 38% người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao những sáng kiến và hành động cụ thể của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng cũng dần có xu hướng lựa chọn các sản phẩm sử dụng bao bì xanh, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường; đồng thời ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị thiết thực, đặc biệt là sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Điều này đang thúc đẩy các nhà bán lẻ, nhà phân phối tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng sản phẩm xanh, bao bì xanh, nhãn xanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chịu tác động từ các chính sách thuế quan, việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nắm bắt kịp thời các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu - đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững - sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi thế trong hoạt động xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng rõ nét, doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường thế giới buộc phải đổi mới tư duy, đầu tư bài bản cho chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp không chỉ gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Lao động
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang