Đổi hướng trong chiến lược kinh doanh để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Đổi hướng trong chiến lược kinh doanh để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Nhiều mô hình kinh doanh mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với tối ưu hóa của chuyển đổi số, công nghệ AI… sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Nguồn:Tạp chí Hải Quan

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). 

Ảnh: TTXVN

Ngày 4/7, tại hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nhằm ứng phó với các tranh chấp quốc tế, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ những yêu cầu về chuyển đổi xanh và vấn đề đặt ra với hoạt động xuất nhập khẩu.

Giải đáp câu hỏi “Vì sao phải xanh?”, TS Võ Trí Thành cho rằng, đây là mệnh lệnh và đòi hỏi của chính thị trường, các cam kết quốc tế… mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Nhiều mô hình kinh doanh mới: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với tối ưu hóa của chuyển đổi số, công nghệ AI… sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết quốc tế trong hoạt động XNK.

Theo TS. Thành, khi sự nhận thức về phát triển bắt đầu thay đổi một cách rõ rệt hơn, các quốc gia và bản thân các cá nhân trong xã hội không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn để tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững nói chung. Như vậy, áp lực từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC nhận định, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu.

“Để đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”- bà Quyên nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ trọng tài quốc tế, LS. Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC đã đưa ra những đánh giá chung liên quan đến tình hình doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu trong thời gian qua.

Theo LS. Châu Việt Bắc, trong bối cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành XNK và logistics đang bị đặt dưới nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

“Trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ suất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng”- ông Bắc nhấn mạnh và cho rằng, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.

Chia sẻ kinh nghiệm để tận dụng các cam kết trong xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TPHCM cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở, đang thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do. Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường thông qua quy định ưu đãi thuế quan; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…

Trao đổi liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa doanh nghiệp Việt với đối tác quốc tế, ông Nam cho rằng các FTA đóng vai trò đắc lực cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất nhập khẩu, bên cạnh các FTA đã ký kết và đang vận hành, các FTA mới cũng cho thấy nhiều giá trị mới. “Tuy nhiên, con đường này đầy thử thách khi nó buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh”- ông Nam chia sẻ.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp XNK cũng chia sẻ về thực tiễn XNK hàng hóa của doanh nghiệp, cũng như những giải pháp ứng phó với bẫy ngoại thương; các luật sư đã tư vấn cho các doanh nghiệp XNK nhiều yếu tố pháp lý; giải pháp hợp đồng cho một số thị trường XNK trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài…

Tạp chí Hải Quan
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang