Ngoài những điểm nổi bật nêu trên, tình hình xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều mảng màu sáng tối xen kẽ. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp đáng kể, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Chúng ta chưa tận dụng được cơ hội thâm nhập các thị trường khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia, chiếm gần 40% dân số toàn cầu, thậm chí nhập siêu trên 50 tỷ USD từ các nước này.
Một trong những vấn đề nổi lên nhiều năm trở lại đây là tình trạng hàng hóa xuyên biên giới chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong đó hàng hóa Trung Quốc với lợi thế sản xuất quy mô lớn, giá thành rẻ và mạng lưới phân phối thương mại điện tử đã tràn ngập ở hầu hết các phân khúc thị trường nước ta, từ sản phẩm giá rẻ như quần áo, đồ gia dụng, linh kiện điện tử cho đến công nghệ cao.
Tham gia chuỗi cung ứng FDI sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập toàn cầu (Ảnh minh họa: CV)
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu như công nghệ cao, thiết bị cơ khí. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nước ngoài, cản trở năng lực cạnh tranh.
Hàng nhập khẩu giá rẻ đã làm giảm động lực đổi mới sáng tạo và suy yếu năng lực sản xuất. Các ngành dệt may, thời trang, đồ gia dụng và nông sản đang chịu sức ép lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn và đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh về giá cả và nguồn cung. Động lực phát triển các sản phẩm "Made in Vietnam" suy giảm.
Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất lớn nhưng bị hạn chế phần nào bởi lệ thuộc nhập khẩu và năng lực sản xuất nội địa còn yếu. Với một kịch bản giả định là Việt Nam có đủ khả năng, đủ quyết tâm và đủ nỗ lực để tăng xuất siêu lên thêm 50 tỷ USD so với hiện nay trên 20 tỷ USD (nâng tổng xuất siêu lên hơn 70 tỷ USD), đặc biệt là giảm nhập khẩu, thì GDP sẽ tăng thêm tối thiểu 10%. Tăng trưởng này đến từ mở rộng sản xuất, phát triển chuỗi giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nội địa hóa sản xuất cũng tạo tác động tích cực tới lao động. Với chi phí nhân công chiếm tỷ lệ trung bình 40% doanh thu, doanh thu bổ sung 50 tỷ USD mỗi năm từ tăng xuất siêu có thể tạo thêm 1,5 triệu việc làm, với mức lương trung bình 260 triệu đồng/người/năm. Điều này rất quan trọng khi lao động dư thừa từ tinh gọn bộ máy nhà nước, cần việc làm mới.
Việc đạt được kịch bản trên phụ thuộc vào sự thành công của chiến lược "Make in Việt Nam", triển khai từ 2021. Chiến lược này tương tự các mô hình thành công như "Made in China" biến Trung Quốc thành công xưởng cho thế giới, hay "Make in India" nội địa hóa sản xuất của Ấn Độ, hay các chính sách công nghiệp hóa của Hàn Quốc hơn sáu thập kỷ qua tạo kỳ tích sông Hàn (The Miracle on the Han River). Các mục tiêu của chiến lược là thúc đẩy sản xuất nội địa, tăng cường nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam, phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, và công nghiệp hỗ trợ để giảm phụ thuộc nhập khẩu, tạo việc làm, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Dù có mục tiêu rõ ràng và nhiều nỗ lực triển khai thời gian qua, chiến lược "Make in Vietnam" đối mặt với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do năng lực sản xuất yếu, chưa đủ nhân lực chất lượng cao, và hạn chế hội nhập quốc tế. Chi phí logistics cao, hệ thống giao thông chưa thông suốt, và thủ tục hành chính phức tạp, thiếu minh bạch làm tăng gánh nặng. Chuyển đổi số cũng là trở ngại. Sự thiếu đồng bộ trong chính sách cùng vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và môi trường kinh doanh chưa thân thiện đã làm giảm hiệu quả của chiến lược.
Để thực hiện thành công chiến lược "Make in Vietnam," Việt Nam cần học hỏi từ Singapore và UAE để khắc phục bất cập và tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Nâng cao năng lực sản xuất nội địa và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển (R&D) là nền tảng phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, đồng thời chấm dứt chảy máu tài nguyên thô sang biên giới, cấm xuất khẩu tài nguyên thô. Nguyên liệu thô phải được tinh chế để tăng giá trị trước khi xuất khẩu.
Tham gia chuỗi cung ứng FDI sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm khu công nghiệp miễn giảm thuế đến 100%, giảm thuế VAT cho hàng nội địa, ưu đãi lãi suất, và miễn/giảm giá thuê đất trong 5 năm đầu cho các dự án khởi nghiệp. Việc triển khai "cơ chế sandbox - khung thể chế thí điểm" cho sáng kiến công nghệ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới và phát triển bền vững.
Các hàng rào kỹ thuật là công cụ chiến lược để bảo vệ hàng nội địa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiện nay, nhiều sản phẩm không đạt chuẩn vẫn lưu thông tại Việt Nam do năng lực kiểm tra yếu và thực thi chưa đồng bộ, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp nội địa.
Việc áp dụng hàng rào kỹ thuật hiệu quả, từ an toàn thực phẩm đến tiêu chuẩn máy móc và nguồn gốc xuất xứ, sẽ bảo vệ kinh tế nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cần học hỏi từ các nước trong việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao, kiểm tra nguồn gốc và bảo hộ sản phẩm nội địa. Nhật Bản sử dụng tiêu chuẩn môi trường cao cho sản phẩm công nghiệp và tăng tỷ lệ kiểm tra nhập khẩu lên 10% để bảo vệ sức khỏe người dân. EU áp dụng "CE Marking" và giới hạn dư lượng hóa chất chặt chẽ trong thực phẩm. Năm 2024, Hoa Kỳ tăng thuế và các biện pháp bảo vệ ngành thép, trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu nông sản chất lượng cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp để bảo vệ người tiêu dùng và nông dân.
Ngoài hàng rào kỹ thuật, Việt Nam cần áp dụng hàng rào thuế quan để giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Thuế VAT đối với các món hàng nhỏ trên sàn thương mại điện tử sẽ hạn chế lách thuế. Thuế phá giá chống hàng giá thấp gây bất lợi cho doanh nghiệp nội. Thuế môi trường áp dụng với hàng không thân thiện, và thuế tiêu thụ đặc biệt hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ.
Các khoản phí như kiểm tra nguồn gốc, môi trường, hoặc tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng tăng sức cạnh tranh cho hàng nội địa. Hàng rào thuế quan và phí không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trong nước mà còn tạo nguồn ngân sách để tái đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện thành công chiến lược "Make in Việt Nam" với các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ minh bạch, tuân thủ cam kết quốc tế, sẽ giúp Việt Nam đạt tăng trưởng chất lượng, tự chủ và bền vững.