Không những vậy, phía thương vụ cho rằng việc Việt Nam xuất khẩu (XK) được nước trái cây vào “đế
chế”
trái cây Pakistan
là một thành quả đáng tự hào và có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ cấu hàng XK sang các mặt hàng chế biến sâu có hàm lượng giá trị gia tăng cao.Xét về đóng góp của chế biến sâu rau quả trong hoạt động XK, qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch XK rau quả, trong khi ở một số quốc gia khác thì tỷ lệ này chiếm đến 50%.
Theo ông Nguyên, số doanh nghiệp (DN) chế biến rau quả ở Việt Nam có thể là hàng ngàn, nhưng đa phần có quy mô nhỏ lẻ (chủ yếu là chế biến để cung cấp tại địa phương hoặc tiêu thụ trong nước). Còn nếu tính những DN chế biến nội địa có đầu tư lớn, bài bản, cỡ trình độ trung bình khá trên thế giới thì chỉ khoảng 150 DN.
Chính vì vậy, theo vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu muốn nâng cao vị thế cạnh tranh của rau quả Việt trên thị trường toàn cầu thì điều quan trọng là công nghệ chế biến sâu của các DN Việt phải được nâng cao như trình độ tiên tiến của thế giới và có thương hiệu. Trong đó, trước tiên là thương hiệu của những DN chế biến rau quả với chất lượng hàng đầu, từ đó sẽ hình thành nên thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực này.
Không chỉ ở ngành hàng rau quả, với lĩnh vực XK thủy sản, để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới thì việc các DN nội địa ưu tiên phát triển XK sản phẩm chế biến giá trị gia tăng là rất đáng khích lệ. Đơn cử như XK cá tra giá trị gia tăng vào thị trường Mỹ liên tục tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây (điển hình nhất như hồi tháng 7/2024 kim ngạch XK sản phẩm này sang Mỹ đạt 1,3 triệu USD, tăng gấp 42.000 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Với ngành hàng cá tra, để nâng vị thế cạnh tranh XK, theo giới chuyên gia, các DN cần chủ động “lấn sâu” thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường. Nhất là cần phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng bằng cách chế biến cá tra thành các sản phẩm có giá trị cao hơn, cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và bảo quản cá tra.
Quan sát hoạt động XK nông sản hiện nay, theo Phó giáo sư Abel D. Alonso (Đại học RMIT), nhiều công ty Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc gia tăng giá trị như một công cụ để tiếp cận thị trường quốc tế. Họ tạo được chỗ đứng trong một môi trường kinh doanh cực kỳ cạnh tranh.
Đến xây dựng năng lực dài hạn
Vị chuyên gia này chia sẻ ví dụ về Công ty Dace Việt Nam - một DN hợp tác với hàng nghìn bà con nông dân trong nước nhằm đạt được khả năng kiểm soát chất lượng cao hơn, giúp cải tiến đáng kể các sản phẩm cuối cùng. Cách tiếp cận như vậy đã đưa sản phẩm hữu cơ của công ty ra thế giới. Hơn nữa, công ty này đã đạt được nhiều chứng nhận quan trọng (JAS Organic, EU Organic và USDA) giúp mở ra cánh cửa đến các thị trường tiêu dùng khắt khe hơn và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Alonso cũng dẫn chứng thêm trường hợp Công ty Organic Viet Food đã gia tăng giá trị cho hạt điều bằng cách tạo ra những hương vị hấp dẫn và đóng gói tiện lợi cho người tiêu dùng để XK qua sàn thương mại điện tử Amazon. Các sản phẩm của công ty nhanh chóng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng Mỹ.
Theo vị chuyên gia của RMIT, các doanh nghiệp XK hạt điều của Việt Nam đang đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ chế biến hiện đại để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế mới và nghiêm ngặt hơn.
Tuy vậy, mặc dù nông sản Việt có nhiều cơ hội để củng cố vị thế cạnh tranh trong các chuỗi giá trị trên toàn cầu, nhưng cũng phải giải quyết không ít thách thức phía trước. Nhất là khi phần lớn DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp.
Ts. Đặng Bảo Quyên, chuyên gia kinh tế quốc tế, cho rằng các DN trong nước nên áp dụng những hướng tiếp cận sáng tạo bằng cách tập trung vào việc xây dựng năng lực dài hạn ngay từ những bước đầu tiên, nâng cao lợi thế cạnh tranh và mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, cùng với xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng quốc tế, việc các DN Việt xây dựng thương hiệu bằng cách khai thác các giá trị cốt lõi một cách bền vững sẽ giúp cho họ khai thác tiềm năng lớn trên trên toàn cầu. Và một cách khác để xây dựng thương hiệu hàng Việt trên thị trường toàn cầu là đưa sản phẩm lên tầm cao mới.
Theo Ts. Quyên, ngày càng có nhiều DN Việt ý thức được thị trường của họ không chỉ gói gọn ở 100 triệu người trên đất nước này mà có thể là vài tỷ người ngoài biên giới Việt Nam. Rất có thể chúng ta đang có thứ mà họ cần, họ muốn. Nhiệm vụ của DN, của chính phủ là làm thế nào để mấy tỷ người đó biết đến chúng ta, tin tưởng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Thực tế là chúng ta đã và đang chứng kiến các DN ở quy mô, lĩnh vực khác nhau, cố gắng bằng nhiều cách để tiếp cận các khách hàng quốc tế.
Như lưu ý của vị chuyên gia này, nhiều người giữ quan điểm truyền thống rằng DN nên có vị thế vững chắc trên sân nhà trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Thế nhưng, tại sao không làm cả hai cùng lúc hoặc xem xét mở rộng ra nước ngoài ngay sau khi có chỗ đứng trên thị trường nội địa?
“Việc các thương hiệu Việt có mặt trên thị trường toàn cầu có thể không quá xa vời nếu chúng ta thay đổi tư duy và hành động phù hợp. Thế hệ chủ DN tiếp theo không nên tự giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà nên dám nghĩ lớn và có sự chuẩn bị phù hợp”, bà Quyên nói.