Vẫn có nhiều điểm sáng xuất khẩu trong thời dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Vùng nguyên liệu ổn định giúp các nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng đủ hàng xuất khẩu - Ảnh: KHẮC TÂM

Bên cạnh các ngành như điện tử, máy tính và linh kiện, nhiều sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, tôm, gạo... cũng có xuất khẩu tăng trưởng.

Tận dụng được cơ hội từ Covid-19

Theo lãnh đạo Sở Công thương Sóc Trăng, tỉnh này có gần 10 công ty sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Trong khi nhiều ngành hàng cả nước bị ảnh hưởng tơi bời từ dịch bệnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng đều tăng trưởng tốt, trong đó có không ít doanh nghiệp tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch VN (Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), có được kết quả này đầu tiên là nhờ VN phòng ngừa tốt dịch bệnh COVID-19. 

Một thuận lợi nữa, theo ông Phục, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đối thủ cạnh tranh với VN phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang nhập khẩu tôm của VN. 

Tuy vậy, điều quan trọng, theo ông Phục: "Sóc Trăng có nhiều nhà máy chế biến tôm có thương hiệu tốt, xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý... do vậy khi có biến động vẫn không sao. 7 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu tôm được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ 2019".

Để sản phẩm, hàng hóa VN nói chung và con tôm nói riêng xuất khẩu tốt, theo ông Phục, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Chỉ cần khâu xuất khẩu bị gãy sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị, người nuôi tôm lao đao theo.

Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cũng là đơn vị đạt giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng gần 9% ở Sóc Trăng so với cùng kỳ năm trước. Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT công ty - cho biết dịch bệnh gây nhiều thách thức, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn chuẩn bứt phá, có thêm nhiều khách hàng mới. 

"Tình hình tiêu thụ tôm những tháng trong mùa dịch tương đối tốt, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 6, tháng 7. Điều này dự báo một bức tranh xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp VN sắp tới đủ gam màu tươi tắn hơn. Thị trường xuất khẩu tôm của các nhà máy ở Sóc Trăng chủ yếu là Mỹ, Nhật và châu Âu. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, rộng cửa cho tôm VN vào thị trường châu Âu hơn", ông Lực nói.

Tăng trưởng thuộc dạng "khủng" nhất thuộc về Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng. Bảy tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của công ty này đạt 160 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. 

"Nếu tình hình dịch bệnh êm ái, thị trường xuất khẩu thuận lợi, tăng trưởng cuối năm sẽ ổn định..." - ông Trần Văn Phẩm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, chia sẻ.

Cơ hội việc làm cho người lao động

Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng - cho biết xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt không chỉ bù lại cho những lĩnh vực tăng trưởng âm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Ông nói: "Nhiều người lên Sài Gòn hoặc Bình Dương làm ăn, vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, họ trở về xin làm công nhân nhà máy chế biến tôm".

Chị Thạch Thị Út (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một trong số đó. Cách đây 5 năm, vợ chồng chị lên TP.HCM, gửi con cho bà ngoại nuôi, xin vào làm tại một xí nghiệp da giày xuất khẩu. Mỗi tháng dư được khoảng 8 triệu đồng nhưng tháng 2 vừa rồi, do dịch bệnh, xí nghiệp của chị ngừng sản xuất. 

"May mà nhà máy chế biến tôm gần nhà nhận vợ chồng tui vào làm. Giờ việc làm ổn định gần nhà, sẽ không đi đâu làm nữa", chị Út khoe.

Ông Hồ Quốc Lực cho biết trước đây, thời điểm này những năm trước, dù kêu rêu rát họng, có chính sách xe đưa đón, hỗ trợ tiền ăn trưa nhưng vẫn không tuyển được lao động. Nhưng năm nay thì khác nên công ty mạnh dạn nhận công nhân vào làm. Chỉ riêng quý 2 này, công ty đã nhận thêm 500 lao động, nâng số lao động của công ty lên con số 5.000", ông Lực nói.

Tương tự, ông Võ Văn Phục cho biết cũng có rất nhiều người nộp hồ sơ xin việc. "Dù đã tuyển đủ 2.000 công nhân, nhưng tiêu thụ tốt, công ty tuyển thêm khoảng 500 người nên tiền đóng bảo hiểm xã hội tháng 6 tăng thêm khoảng 1 tỉ đồng. Nhưng không sao, công ty làm ăn được, người lao động địa phương có việc làm, có thu nhập, hai bên đều vui", ông Phục cho hay.

 

Theo TTO

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang