Kinh nghiệm từ một số nước
Tính tới thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98% trong tổng số trên 620 nghìn DN thuộc tất cả các loại hình đang hoạt động ở Việt Nam. Những khó khăn thường được nhắc đến nhiều đối với cộng đồng DNNVV tại Việt Nam là vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách tài chính ưu đãi, hỗ trợ DNNVV phát triển, nhưng việc tiếp cận vốn vay và các chính sách hỗ trợ vẫn chưa được như kỳ vọng. Qua kinh nghiệm về chính sách tài chính hỗ trợ DNNVV của một số nước sẽ gợi mở những kinh nghiệm cho Việt Nam.
Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, với hàng nghìn tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia hoạt động trong và ngoài vùng lãnh thổ nước này. Tuy vậy, các DNNVV vẫn được coi là lực lượng DN quan trọng chiếm tới 99% tổng số DN của Nhật Bản. Các DNNVV ở Nhật Bản phần lớn thuộc các ngành nghề truyền thống, nhưng luôn có sự kết hợp giữa những tính cách truyền thống dân tộc với kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển khu vực DNNVV. Các chính sách phát triển tập trung vào các mục tiêu: Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các DNNVV; Tăng cường lợi ích kinh tế và xã hội của các nhà DN và người lao động tại DNNVV; Khắc phục những bất lợi mà các DNNVV gặp phải; Hỗ trợ tính tự lực của các DNNVV.
Các chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản chủ yếu hiện nay:
Một là, trợ giúp về vốn. Hỗ trợ có thể dưới dạng các khoản cho vay thông thường với lãi suất thấp (DN phải có kế hoạch nâng tỷ lệ giá trị gia tăng hàng năm lên tối thiểu 3%) hoặc các khoản vay đặc biệt với những ưu đãi theo các mục tiêu chính sách. Xây dựng kế hoạch cho vay nhằm cải tiến quản lý các DN nhỏ (kế hoạch cho vay Marukei), không đòi hỏi phải có thế chấp hoặc bảo lãnh.
Hệ thống bảo lãnh tín dụng (BLTD) nhận bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại các thể chế tài chính tư nhân. Hiệp hội bảo lãnh tín dụng có chức năng mở rộng các khoản tín dụng bổ sung và thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Hệ thống bảo lãnh đặc biệt, đã hoạt động từ năm 1998, có chức năng như một mạng lưới an toàn, nhằm giảm nhẹ những rối loạn về tín dụng và góp phần làm giảm các vụ phá sản của DNNVV.
Hai là, hỗ trợ về công nghệ. Chính phủ cho vay trực tiếp, chủ yếu là các khoản vay dài hạn không có lãi hoặc lãi suất thấp để thực hiện phát triển, sáng tạo phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển kỹ thuật công nghệ, phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh. Cho vay thông qua các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức tài chính công liên quan đến hỗ trợ phát triển DNNVV như Hội đồng tài chính DNNVV, Hội đồng tài chính nhân dân, Ngân hàng trung ương của các hợp tác xã thương mại và công nghiệp.
Ba là, hỗ trợ về pháp lý. Hiện nay, Nhật Bản có những chính sách nhằm tăng cường mạng lưới an toàn tài chính và các biện pháp hỗ trợ tái cơ cấu DN. Hiệp hội hỗ trợ tái cơ cấu DNNVV được thành lập, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên hiệp hội thương mại và công nghiệp, tổ chức tài chính của Chính phủ, tổ chức tài chính địa phương, Trung tâm hỗ trợ DNNVV chính quyền địa phương. Quỹ Hỗ trợ tái cơ cấu DNNVV thuộc Cơ quan xây dựng hạ tầng DNNVV cũng được thành lập (SMRJ).
Bốn là, các kênh đầu tư trực tiếp. Chính phủ Nhật Bản thành lập các công ty Xúc tiến Đầu tư phục vụ các DNNVV với mục tiêu tăng cường nguồn vốn cho các DN này mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao mức độ tập trung hóa các ngành công nghiệp, giúp đỡ các DNNVV trong việc niêm yết chứng khoán và gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, hướng dẫn kinh doanh và áp dụng khoa học - công nghệ,…
Chính phủ Nhật Bản thành lập các sàn giao dịch chứng khoán thứ cấp độc lập với sàn giao dịch chứng khoán sơ cấp quản lý các giao dịch phi chính thức (OTC) nhằm đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ tài chính và chuyển nhượng của các DNNVV.
Singapore
Singapore lại là quốc gia có nền kinh tế phát triển thần kỳ với tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người cao, cơ sở hạ tầng kinh tế hiện đại… Đến cuối thập niên 1980, Singapore trở thành điểm đến của công ty đa quốc gia với trên 600 cơ sở sản xuất lớn, 2.800 chi nhánh thương mại dịch vụ.
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử kinh tế của Singapore, các DNNVV luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Cho tới hiện nay, số DNNVV ở Singapore chiếm tới 99% tổng số DN, 62% số lao động và 48% tổng số giá trị gia tăng của nền kinh tế nước này.
Cũng như các DNNVV khác trên toàn thế giới, các DNNVV ở Singapore cũng gặp không ít trở ngại trong quá trình phát triển của mình. Qua các cuộc điều tra, hơn một nửa các DNNVV ở Singapore thừa nhận rằng những trở ngại lớn nhất của họ là chi phí tài chính, môi trường cạnh tranh, luật lệ và tập quán thương mại. Để khắc phục những trở ngại, Singapore đã có nhiều chính sách hiệu quả, trong đó có chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV như:
- Chủ động thành lập các khoản mục dành riêng cho DNNVV trong ngân sách nhà nước (NSNN), thực hiện BLTD cho DNNVV vay vốn ưu đãi phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tăng cường các hướng dẫn về chính sách tín dụng để cung cấp các dịch vụ tài chính cho các DN này.
- Thành lập các quỹ để huấn luyện DNNVV: Quỹ phát triển kỹ năng Singapore được thành lập để thực hiện nhiều chương trình nhằm khuyến khích huấn luyện người lao động trong các DNNVV, đào tạo kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhà quản trị, cán bộ, người lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, khuyến khích sự chuyên môn hóa và hợp tác với các DN lớn.
- Thành lập các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DNNVV như: cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ (IDS), cơ chế hỗ trợ kỹ thuật (LETAS)…
- Chính phủ Singapore chú trọng đến việc phát triển các Quỹ Đầu tư mạo hiểm, đặc biệt đầu tư vào các DNNVV trong khu vực công nghệ cao. Năm 1985, Quỹ Đầu tư mạo hiểm được thành lập và do Uỷ ban Phát triển kinh tế (EDB) đảm nhiệm, ban hành nhiều chính sách thuế ưu đãi nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của các quỹ. Từ đó đến nay, Chính phủ Singapore vẫn tiếp tục vai trò hỗ trợ to lớn của mình đối với quỹ đầu tư này.
- Thành lập và hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích xây dựng và phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế. Đối với thuế thu nhập, Singapore thực hiện các chương trình như: miễn thuế thu nhập một phần cho các DNNVV, toàn phần cho các DN mới thành lập (khởi động từ năm 2005), trợ cấp 100% vốn nhà xưởng và máy móc có giá trị không quá 1000 đôla Singapore…
- Hình thành nhóm kinh tế trong DNNVV: Năm 1992, Chính phủ Singapore bắt đầu xúc tiến hình thành các nhóm kinh tế trong DNNVV địa phương nhằm giúp họ tăng sức cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc số lượng DNNVV chiếm khoảng 99,9% tổng số DN, đóng góp trên 102,9 triệu đô la Mỹ từ việc xuất khẩu và giải quyết được việc làm cho hơn 87,7% trên tổng dân số đang ở độ tuổi lao động. Hệ thống hỗ trợ tài chính cho DNNVV bao gồm hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc Ngân hàng Trung ương, các cơ cấu tài chính khác thuộc Chính phủ và chính sách thuế
- Chính sách thuế ưu đãi: Năm 2014, Hàn quốc đã đưa ra những quy định rõ ràng về các chính sách miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đối với các DNNVV đang hoạt động trong mọi lĩnh vực. Ví dụ đối với các DN nhỏ, tùy theo từng trường hợp và điều kiện hoạt động cụ thể theo quy định của pháp luật sẽ được giảm 5%, 10%, 15%, 20% hay 30% hay miễn một số thuế như thuế GTGT, thuế trước bạ đối với bất động sản phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển của các DNNVV.
- Hệ thống bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc cho đến nay đã hỗ trợ tài chính cho DNNVV được thành lập và chia theo ba kênh chính: Quỹ BLTD Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Ngoài ra, các DNNVV có thể huy động vốn qua các kênh như phát hành trái phiếu, tiền gửi nhận được từ Quỹ quản lý vốn theo Luật Quản lý quỹ công cộng… Ngoài hoạt động bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh tín dụng này còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo về quản lý đối với nhân lực của các DNNVV được quỹ bảo lãnh.
Tại Hàn Quốc, vấn đề về nguồn nhân lực luôn được đặt lên hàng đầu. Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã tạo điều kiện cho các DNNVV đáp ứng được nhu cầu nhân sự trước những ảnh hưởng nặng nề về tình trạng thất nghiệp từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2007.
Về phía các cơ sở đào tạo giáo dục, các trường có nhiệm vụ phải bổ sung vào chương trình đào tạo các môn học về DNNVV, cũng như việc đưa vào hoạt động kiến tập và thực tập của sinh viên là môn học chính hay các tín chỉ bắt buộc. Điều này giúp tạo cơ hội để sinh viên thực hành với môi trường làm việc thực tế và chuyên nghiệp, mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bài học cho Việt Nam
Qua thực tiễn hỗ trợ DNNVV phát triển của một số nước, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần nhận thức đúng đắn vai trò và vị trí quan trọng của DNNVV trong phát triển kinh tế quốc dân. Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển DNNVV.
Thứ hai, sử dụng linh hoạt các hình thức hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với các DNNVV. Việc đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính đối với DNNVV là xu hướng phổ biến trong chính sách hỗ trợ tài chính của các quốc gia đối với sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.
Thứ ba, thuế là công cụ tài chính hết sức hữu hiệu trong việc hỗ trợ tài chính với DNNVV. Sự ưu đãi về thuế theo quy mô DN luôn tác động trực tiếp tới khả năng tích luỹ, tái sản xuất mở rộng, cũng như khuyến khích DN sử dụng nhiều lao động, sử dụng lao động nữ, phát triển ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu… theo các định hướng của Nhà nước đối với DNNVV.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Cần đa dạng hóa nghiệp vụ bảo lãnh nhằm đáp ứng tốt nhất những nhu cầu bảo lãnh ở các hoạt động khác của DNNVV như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng… Đồng thời, có thể thành lập thêm các tổ chức tài chính nhằm thực hiện hỗ trợ vốn cho các DNNV.
Thứ năm, coi trọng đầu tư hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho các lãnh đạo DNNVV về các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán… Xây dựng các mối liên kết giữa các tổ chức đào tạo, các DN, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi chính phủ nhằm đào tạo, đội ngũ lao động có thể đáp ứng những điều kiện khác nhau mà các DN mỗi ngành nghề và thích nghi với những biến động của thị trường.
Theo Tạp chí Tài chính
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Văn Hà (chủ biên), Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003;
2. PGS.,TS. Nguyễn Trường Sơn (2015), “Phát triển DNNVV ở Việt Nam hiện nay”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
3. Lê Văn Sang, Kinh tế Nhật Bản giai đoạn thần kỳ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1988;
4. TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Pháp luật hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc và một số kiến nghị tham khảo – Tạp chí Nghiên cứu lập pháp;
5. Singapore với những chính sách hỗ trợ DNNVV - Tạp chí Kinh tế và Dự báo.