Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?

Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?

Rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Hà Nội, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký tại thủ đô Santiago, Chile.


Lễ ký kết lịch sử có sự tham gia của Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước, gồm: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu.

Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?  - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Công thương

​Bộ Công thương cho biết, tại Lễ ký kết này, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung chia sẻ quan điểm cho rằng, bằng việc đạt được các kết quả tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?  - Ảnh 2.

CPTPP thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này.

Các Bộ trưởng đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.

Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?  - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh sự quan tâm của một số nền kinh tế khác đối với Hiệp định CPTPP. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế một cách sâu rộng trong tương lai thông qua Hiệp định CPTPP.

​Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã nhất trí giao các Trưởng đoàn đàm phán bắt đầu quá trình chuẩn bị cần thiết để việc thực thi Hiệp định này được thông suốt.

Chính thức ký kết CPTPP: 11 Bộ trưởng phụ trách kinh tế trao đổi những gì ở Chile?  - Ảnh 4.

Việc các Bộ trưởng phụ trách kinh tế - thương mại của 11 nước tham gia CPTPP chính thức ký kết Hiệp định này và đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.

Làm gì trước cơ hội mới?

CPTPP được ký kết có thể tạo ra một cú huých lịch sử đối với kinh tế Việt Nam. Trong các thông báo phát đi gần đây của Bộ Công thương nhiều lần nhấn mạnh đến cơ hội, tiềm năng nhưng không kém phần thách thức khi CPTPP được thông qua.

"Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá". Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói với báo giới trước khi sang Chile.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Một yếu tố quan trọng khác là cần thay đổi tư duy trong kinh doanh bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Bởi vì CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng tỷ đô.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo Trí thức trẻ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang