Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám; hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám; trạm điều khiển vệ tinh viễn thám...
Chia sẻ với phóng viên về tầm quan trọng của công nghệ viễn thám trong kỷ nguyên số, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Quốc Hưng cho biết công nghệ viễn thám đã trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực đồng thời mở ra một trong các hướng đi chủ đạo nhằm phục vụ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Do vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay... để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển của đất nước.
Giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường
- Đầu tiên xin ông cho biết vai trò của công nghệ viễn thám đối với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay?
Ông Lê Quốc Hưng: Hiện nay, tư liệu viễn thám đã trở thành nguồn thông tin rất quan trọng cho nhiều lĩnh vực như bản đồ, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Trên thực tế ảnh viễn thám có thể thu nhận bằng nhiều kỹ thuật khác nhau nên có thể cung cấp được nhiều loại thông tin quan trọng ở nhiều lĩnh vực.
Trong những năm gần đây, công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây. Thông tin thu thập từ vệ tinh quan trắc Trái đất ngày càng có độ chi tiết cao, với tần suất ngày càng cải thiện. Việc kết hợp công nghệ viễn thám với công nghệ truyền thống trong quan trắc môi trường cho phép đã cải thiện độ chính xác thông tin quan trắc.
- Như ông đề cập viễn thám là một trong những phương tiện chủ đạo và hiệu quả trong công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Vậy ở Việt Nam, công nghệ này đã và đang được áp dụng thế nào?
Ông Lê Quốc Hưng: Đến thời điểm này, công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường.
Ngoài ra, ngành tài nguyên và môi trường cũng đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Mặc dù việc đưa công nghệ viễn thám vào quan trắc, giám sát môi trường vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng với xu thế của thời đại, với đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm bảo vệ môi trường của ngành tài nguyên và môi trường thì công nghệ viễn thám sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường ở nước ta.
“Vẽ” bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tựu nổi bật mà công nghệ viễn thám đã mang lại kể từ khi Việt Nam áp dụng công nghệ này?
Ông Lê Quốc Hưng: Trong thời gian qua, hàng loạt nhiệm vụ đã được Cục Viễn thám quốc gia triển khai và mang lại hiệu quả.
Có thể kể đến Dự án “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung;” Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng;” Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám.”
Đặc biệt với việc hoàn thành Dự án “Giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám,” lần đầu tiên, Việt Nam đã “vẽ” nên được bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia. Điều đặc biệt là bức tranh này được “vẽ chi tiết” với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất nhờ vào một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay - công nghệ viễn thám.
Đề án ứng dụng công nghệ viễn thám, giám sát rác thải đại dương nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại Côn Đảo, bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của hòn đảo ngọc.
Ngoài ra trong thời gian qua, nhiều dự án quan trọng của các lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường cũng đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ viễn thám như: Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;” Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám”…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Viễn thám quốc gia là cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh Spot 6/7 hỗ trợ, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các bộ, ngành và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương.
Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám
- Vậy trong bối cảnh các công nghệ mới, công nghệ hiện đại đang phát triển như vũ bão, Cục Viễn thám quốc gia đã có kế hoạch, định hướng gì để phát triển công nghệ viễn thám và ứng dụng hiệu quả trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Quốc Hưng: Đúng là xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám trên thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có thể sẽ rất khác so với công nghệ hiện tại đang sử dụng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích dự báo và nắm bắt được các xu thế đó để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ phù hợp.
Việc “đi tắt đón đầu” sẽ tận dụng được tri thức của nhân loại cũng như rút ngắn khoảng cách về trình độ thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ viễn thám. Vì thế cần ưu tiên các nhóm công nghệ chủ chốt của lĩnh vực viễn thám, tập trung sự đầu tư nghiên cứu, phát triển vào các nhóm công nghệ này.
Hiện Cục Viễn thám quốc gia đang tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường; hoàn thiện hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; mạng lưới trạm thu viễn thám; hệ thống lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu viễn thám...
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Cùng với đó, Việt Nam cũng chú trọng tới việc ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám./.