Nhiều ứng dụng mới được áp dụng trong ngành lâm nghiệp không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc rừng nguyên liệu, định vị từng khoảnh rừng mà còn có thể đo được khả năng hấp thụ carbon, bụi mịn của từng loại cây.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đặc biệt trong khâu giống là yêu cầu cấp thiết của ngành lâm nghiệp. Từ sản xuất, quản lý giám sát, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số như ứng dụng phần mềm, theo dõi, giám sát quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Các quá trình sản xuất lâm nghiệp có thể tự động hóa ở nhiều khâu, qua đó giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Hiện nay công nghệ cao, công nghệ 4.0 sẽ không những hỗ trợ quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô (từng cá thể) trên mạng internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua các thiết bị kết nối với internet.
Công nghệ cao hỗ trợ công khai, minh bạch hóa quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai (sạt lở đất), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm, truy xuất nguồn gốc gỗ, theo dõi tăng trưởng của cây lâm nông nghiệp. Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm
Theo báo cáo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, được triển khai nghiên cứu và phát triển từ năm 2017, Hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp Việt Nam (hệ thống iTwood) là ứng dụng công nghệ số để tổ chức và phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc, góp phần minh bạch thông tin nguồn gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu; hỗ trợ quản lý và chữa cháy rừng và chứng nhận tín chỉ carbon rừng.
Trong đó, đối với việc cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện theo Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN ngày 09/07/2024 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái đã thực hiện thí điểm thông qua Hệ thông iTwood nhằm tạo ra những bước đột phá đầu tiên để tạo lập vùng trồng rừng nguyên liệu có mã số nhằm tổ chức chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Sau 4 tháng, đã có 3/5 tỉnh cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho 1.500 chủ rừng, với 3.350 ha được cấp giấy chứng nhận. Đến nay, diện tích đăng ký cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu qua hệ thống iTwood trên cả nước đã lên đến 67.000 ha. Tổng số chủ thể là chủ rừng, chủ gỗ và doanh nghiệp/cơ sở chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ đăng ký tài khoản trên Hệ thống iTwood và thực hiện các giao dịch là 1.569 chủ thể, chủ yếu là chủ rừng hộ gia đình.
Nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng bằng ứng dụng công nghệ
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, hiện nay, dư địa diện tích đất để phát triển rừng trồng mới không còn nhiều, do vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cải thiện chất lượng giống là giải pháp rất quan trọng.
"Hiện nay, năng suất rừng trồng bình quân cả nước mới đạt 15 – 18m3/ha/năm, con số này còn thấp, do vậy, cần chọn tạo các loài cây lập địa, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng", ông Bảo nói.
Một trong những thành công nổi bật của ngành lâm nghiệp nước ta trong thời gian qua là việc ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống vô tính các giống keo, bạch đàn và một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao khác như tràm năm gân, tràm trà, lan kim tuyến…để phục vụ trồng rừng quy mô lớn.
Hiện nay, các nhà nuôi cấy mô trên cả nước hàng năm đã sản xuất được hơn 120 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Cùng với đó, ứng dụng chuyển đổi số, các phần mềm trong đo đạc, định vị sẽ có vị trí, vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ, giám sát, cấp mã số vùng trồng cho các vùng rừng nguyên liệu.
Về định hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số ngành lâm nghiệp thời gian tới, Cục Lâm nghiệp xác định, xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác, kịp thời thông qua các ứng dụng công nghệsố. Tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực thi công việc của các cơ quan lâm nghiệp các cấp.
Cục Lâm nghiệp cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong lâm nghiệp như: Đầu tư vào hạ tầng công nghệ/hạ tầng kỹ thuật số; xây dựng hệ thống CSDL toàn diện (kho dữ liệu) về lâm nghiệp để lưu trữ, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin trên toàn quốc.
Phát triển các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng và các lĩnh vực đặc thù của ngành. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực và kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng về công nghệ số, đồng thời, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lâm nghiệp các cấp. Thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng và thống nhất về quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong quá trình triển khai.