Bắt kịp xu hướng của giới trẻ
Gần đây, các cửa hàng tiện lợi đang trở thành điểm “check in” không kém phần “chất” so với các quán cà phê Starbucks, McDonald’s, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại… của giới trẻ.
Cửa hàng tiện lợi là kênh “trẻ” nhất trong số các kênh bán lẻ, vì nó hướng tới các khách hàng trẻ tuổi với các sản phẩm đáp ứng nhanh theo xu hướng. Việt Nam là một trong những nước có dân số trẻ cao nhất trên thế giới, nhưng đến nay, rất ít nhà bán lẻ hiện đại tập trung cho đối tượng khách hàng này. Đó là lý do các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi đến Việt Nam với niềm tin, trong tương lai, khi nền kinh tế phát triển và mức thu nhập của người dân tăng lên, kênh này sẽ tăng trưởng đáng kể.
Cửa hàng tiện lợi của GS25.
Nếu như năm 2017, thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam được khuấy động bởi chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven (Nhật Bản) tại TP.HCM, thì năm nay, chuỗi cửa hàng GS25 của GS Retail (thuộc GS Group của Hàn Quốc) là một điểm nhấn và đang khiến giới trẻ chờ đợi về phong cách tiêu dùng đậm chất Hàn Quốc.
GS25 sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM vào ngày 19/1 tới. Hãng này đặt đặt mục tiêu mở rộng ra thị trường Hà Nội sau 2 năm và mở hơn 2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới. GS25 tự tin, sau 3 năm, sẽ trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi số 1 Việt Nam.
Theo ông Yun Ju Young, Trưởng phòng cao cấp phát triển kinh doanh quốc tế của GS Retail, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, với kinh nghiệm về bán lẻ và cửa hàng tiện lợi 28 năm tại Hàn Quốc, GS25 sẽ mang đến sự khác biệt với đồ ăn nhanh tự nghiên cứu và phát triển mang đậm phong cách Hàn Quốc, như món snack, cơm trộn, cơm nóng, bánh gạo…
GS25 đã đầu tư nhà máy sản xuất tiệt trùng ở Long An để kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của GS25 và mời chuyên gia ẩm thực của Hàn Quốc tới Việt Nam để phát triển sản phẩm cung ứng cho thị trường. “Chúng tôi sẽ mang đến những sản phẩm Hàn Quốc đúng thật là Hàn Quốc. Những đồ đang được gọi là của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể chưa thực sự là sản phẩm của Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia về ẩm thực tới đào tạo và huấn luyện nhân viên”, ông Yun Ju Young cho biết.
Trước GS25, chuỗi cửa hàng tiện lợi - phụ kiện thời trang phong cách Hàn Quốc Ilahui có mặt tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với Công ty cổ phần Thương mại - Bán lẻ Vicretail. Ilahui đang nhân rộng các cửa hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cả ba miền Bắc, Trung, Nam và đặt mục tiêu trong 5 năm tới, sẽ có ít nhất 200 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam.
Cửa hàng tiện lợi hiện đang là điểm đến ưa thích của “thế hệ Z” (nhóm dân số có năm sinh từ 1994 - 2002). Dữ liệu Foodservice Monitor (dịch vụ theo dõi thị trường dịch vụ ăn uống) của tổ chức Decision Lab cho thấy, trong quý 3/2017, có đến 34 triệu lượt ghé thăm cửa hàng tiện lợi thuộc về thế hệ Z, chiếm 53,5% tổng lượt ghé thăm của kênh. Cứ mỗi 3 tháng, nhóm dân số trẻ này lại đến mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 2,58 lần, trong khi cùng kỳ năm 2016, con số này chỉ dừng lại ở 1,75 lần.
Ilahui có thế mạnh về các mặt hàng tiện ích và phụ kiện thời trang phong cách Hàn Quốc vốn được giới trẻ Việt Nam yêu thích. Với hơn 3.000 mẫu sản phẩm, 20.000 - 25.000 sản phẩm trên kệ với mức giá từ 10.000 đồng, 100 mẫu sản phẩm mới mỗi tháng với đủ nhóm hàng từ thời trang nam nữ, phụ kiện, đồ chơi, văn phòng phẩm, vật dụng gia đình, phụ kiện điện tử, mỹ phẩm..., Ilahui luôn mang tới cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về mẫu mã, giá cả.
Đại diện Ilahui tại Việt Nam chia sẻ, bên cạnh đối tượng khách hàng là giới trẻ trong độ tuổi 15-35, Ilahui còn sở hữu số lượng lớn khách hàng trên 35 tuổi có thói quen tiêu dùng hiện đại, ưa sự tiện lợi từ các sản phẩm mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh… “Đây là lợi thế cạnh tranh của Ilahui so với các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác trên thị trường”, đại diện này khẳng định.
Hướng đến sự tiện lợi
Gần đây, chị Thu Giang thường xuyên nghé thăm các cửa hàng tiện lợi Vinmart+ tại khu đô thị Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) vào các buổi chiều muộn sau khi đi làm về. “Tôi hay mua một số sản phẩm đã được chế biến sẵn, đồ hộp,... để có bữa tối nhanh cho gia đình. Ngoài ra, Vinmart+ trở thành điểm thu tiền điện hàng tháng cũng là nguyên nhân khiến tôi ghé vào đây”, chị Giang chia sẻ.
Ở cùng khu với chị Giang, anh Trọng Hoàng cũng hay vào các cửa hàng Vinmart+ để mua nước giải khát, bia rượu, thuốc lá, thẻ điện thoại… “Các chuỗi cửa hàng này rất tiện lợi vì được mở bán 24/7”, anh Hoàng cho biết.
Các cửa hàng tiện lợi không chỉ bán thức ăn và đồ uống đóng gói sẵn, mà còn phát triển menu thức ăn nóng, giá rẻ, trang bị máy lạnh và wifi tại khu vực ăn uống. Gần đây, một số chuỗi cửa hàng như FamilyMart, Circle K và 7-Eleven đang chủ động cung cấp những bữa ăn nóng và các món ăn vặt địa phương để phục vụ khách hàng.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ rất sớm, các thương hiệu lớn như FamilyMart (Nhật Bản), Ministop - công ty con thuộc Tập đoàn AEON (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) đã liên tục mở rộng hệ thống và hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Hiện nay, Circle K có tới 250 cửa hàng, Shop & Go có trên 108 cửa hàng..., thu hút đối tượng khách hàng chủ yếu là dân văn phòng, những người có cuộc sống bận rộn và phụ nữ có gia đình. Tuy nhiên, những chuỗi cửa hàng này gần đây hoạt động khá “âm thầm”.
Ngược lại, những thương hiệu đến sau như Ilahui (Hàn Quốc), 7 - Eleven (Nhật Bản) và GS25, không chỉ đáp ứng phân khúc tiêu dùng giống như các chuỗi đi trước, mà còn hướng đến nhu cầu tiêu dùng sành điệu của giới trẻ.
Khả năng gây đột phá
So với mô hình đại siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng truyền thống, thì khả năng cạnh tranh về giá, sự đa dạng hàng hoá của cửa hàng tiện lợi vẫn còn khoảng cách. Tuy nhiên, cửa hàng tiện lợi là xu thế của thị trường, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Có thể thấy, đây sẽ là kênh bán lẻ có nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam trong tương lai gần.
Báo cáo Decision Lab cuối năm 2017 đưa ra những dữ liệu khiến giới đầu tư vào kênh này lạc quan. Theo đó, doanh thu thị trường ăn uống, nhà hàng trong quý 3/2017 giảm 5.400 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi đó, kênh cửa hàng tiện lợi lại đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Con số này đã cho thấy khả năng thu hút khách hàng mới và “giành” khách từ các kênh khác trên thị trường của cửa hàng tiện lợi.
Được “chống lưng” bởi những khoản đầu tư khổng lồ, kênh cửa hàng tiện lợi có khả năng gây đột phá tại thị trường ăn uống tại Việt Nam. Decision Lab tính toán, đến năm 2020, sẽ có 1 cửa hàng tiện lợi cho mỗi 17,815 người Việt Nam. Cửa hàng tiện lợi sẽ trở thành kênh dễ tiếp cận nhất cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, mọi mức thu nhập, vào mọi thời điểm trong ngày.
Bước vào cuộc chơi với sự cạnh tranh không khoan nhượng từ các “đối thủ”, mỗi chuỗi cửa hàng tiện lợi đều phải có chiến lược riêng. Việc bắt kịp những xu hướng mới và nhu cầu của khách hàng chính là yếu tố then chốt để mỗi thương hiệu có thể “vượt mặt” đối thủ cạnh tranh.
Theo Đầu tư