Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Nguyễn Đức Dần – Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, Ba Trại có diện tích chè lớn nhất huyện với 560ha và có nghề sản xuất chè truyền thống lâu đời. Toàn xã có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Với người dân nơi đây, chè là nguồn thu nhập chính.
HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại mang sản phẩm chè sạch Ba Trại đến hội chợ giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn do Hội ND TP.Hà Nội tổ chức vào tháng 12.2017. Ảnh: Thu Hà
Toàn xã Ba Trại có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Với người dân nơi đây, chè là nguồn thu nhập chính. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 38,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,9%. Những mái nhà kiên cố mọc lên san sát hai bên đường là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay đời sống của người dân nhờ chè. |
Theo ông Dần, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp chứng nhận cho nhãn hiệu chè Ba Vì. Việc xây dựng thành công thương hiệu đã tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất, chế biến chè tại huyện Ba Vì nói chung và xã Ba Trại nói riêng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với cây chè ở đây là xây dựng vùng nguyên liệu thật sự an toàn để sản phẩm chè khô không còn tồn dư hóa chất.
Với lợi thế cây chè sẵn có, Ba Trại tập trung phát triển các làng nghề sản xuất chè theo hướng mới là an toàn và chất lượng. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và chế biến chè Ba Trại, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hoá vào trồng chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ đã già cỗi.
Để hỗ trợ người trồng chè, năm 2014, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì đã kết hợp với địa phương, HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại tiến hành trồng mới, trồng thay thế 50ha và thực hiện thâm canh chè VietGAP với diện tích 16ha. Mô hình thực hiện đồng bộ từ giống, đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thu hái, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm.
“Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp và người dân vùng chè, đến nay, Ba Trại đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) cấp chứng nhận cho 16ha sản xuất chè theo hướng VietGAP” - ông Dần cho hay.
Thu nhập tăng 40%
Để sản xuất chè theo hướng VietGAP, xã đã làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình làm chè, trong đó ghi rõ ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày hái, số ngày cách ly... Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt “6 điều phải làm và 6 điều không được làm”...
Chị Đặng Thị Chanh ở thôn 3, xã Ba Trại - một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm - cho biết, cách chế biến chè theo phương thức cũ khiến chất lượng chè thành phẩm chưa ngon và ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi được hướng dẫn trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGAP, sản phẩm chè của gia đình chị đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng ở xóm Đô có 0,7ha chè thì được thụ hưởng dự án 0,2ha chè thâm canh theo hướng VietGAP. Trung bình mỗi năm, anh Hoàng thu hoạch từ 7 - 8 lứa, vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. “Trồng chè theo VietGAP chi phí giảm mà năng suất chè tăng gấp đôi, búp chè đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường” - anh Hoàng phấn khởi nói.
Hầu hết, người trồng chè đều cho rằng, dù việc chăm sóc chè theo VietGAP có tốn nhiều công sức hơn, nhưng bù lại lượng búp thu được nhiều hơn. Thực tế sản xuất tại các hộ cho thấy, lượng búp đã tăng ít nhất từ 15 - 20%. Đặc biệt, chất lượng chè ngon hơn, bán được giá hơn, nhờ đó giá trị thu nhập tăng khoảng 40% so với cách sản xuất cũ. Trên thị trường, chè búp khô VietGAP Ba Trại đang được bán với giá từ 180.000 – 250.000 đồng/kg.
Theo Dân Việt