Doanh nghiệp nội trong cuộc đua giữ vững thị phần bán lẻ

Doanh nghiệp nội trong cuộc đua giữ vững thị phần bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tạo áp lực rất lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam.


Giữ vững thị trường bán lẻ chính là việc góp phần quan trọng bảo đảm đầu ra cho các ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp (DN) nội cần chủ động liên kết và đẩy mạnh khai thác thị trường ngách.

 Cuộc đổ bộ của các thương hiệu bán lẻ lớn nước ngoài

Với những cam kết khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do, nhiều năm qua, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Quy mô dân số hơn 93 triệu dân, dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị đã tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Thống kê của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho thấy, giai đoạn 2010-2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt hơn 3,23 triệu tỷ đồng vào năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung từ năm 2006 đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 tới 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

 

18062018vthuy24.jpg?w=575

 

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh mua hàng tại Siêu thị Coopmart. Ảnh: Mỹ Phương

Những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam, với hàng loạt tên tuổi lớn như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), Auchan (Pháp)… hay các tên tuổi thương mại điện tử như: Alibaba, Lazada, Amazon... Để sớm xâm nhập vào thị trường Việt Nam, chiến lược chủ yếu của nhà đầu tư nước ngoài là tập trung vào hình thức mua bán, sáp nhập để tận dụng hạ tầng, lượng khách hàng của đối tác cũ. Không nằm ngoài cuộc đua giữ vững thị phần bán lẻ trong nước, DN Việt Nam cũng nỗ lực đẩy mạnh mở rộng hệ thống, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Điển hình như sự vươn lên của Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); Vinmart của Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Nhất Nam (Fivimart)… Trong lĩnh vực phân phối hàng công nghệ, điện máy, điện tử có thể kể đến nhiều DN trong nước vẫn đang dẫn đầu thị trường là Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động… tạo nên thị trường cạnh tranh rất sôi động.

 

Tập trung phát triển mạng lưới cửa hàng tiện ích

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN trong nước đã làm giảm nỗi lo về thị trường nội địa sẽ rơi hoàn toàn vào tay DN nước ngoài. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, DN trong nước không nên lo ngại trước xu hướng này, cần phải coi đây là cơ hội để nắm bắt kinh nghiệm, học hỏi cách làm từ các DN bán lẻ nước ngoài. Yếu tố quan trọng đối với các DN Việt Nam để có thể trụ vững trước làn sóng đầu tư nước ngoài là hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, cùng với đó, các DN bán lẻ gia tăng sự liên kết để tăng quy mô, tận dụng thế mạnh của nhau, đẩy mạnh vai trò của DN đầu tàu, cũng như nỗ lực tiếp cận các thị trường ngách.

Nêu rõ về quan điểm trên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, sự quan tâm và xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ nước ngoài với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản trị, thương hiệu mạnh thời gian qua đã làm tăng áp lực đối với nhà bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, DN bán lẻ trong nước vẫn đang có nhiều lợi thế, nhất là sự am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng của người Việt để đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh. Thực tế, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi. Vì vậy, việc mở ra những cửa hàng tiện lợi hoặc lựa chọn điểm đông dân cư để mở siêu thị là hướng đi đúng đắn của các kênh bán lẻ.

Hiện nay, tổng doanh thu khối bán lẻ của khối FDI chỉ chiếm 4%-5% tổng mức bán lẻ thị trường nội địa, phần còn lại do các DN trong nước thực hiện. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt Nam ở các hệ thống này vẫn ở mức 90%. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý, cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.

Nhấn mạnh tới yêu cầu phải hình thành các chuỗi cung ứng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phân tích, theo quy luật thị trường, trước khi sản xuất sản phẩm nào đó, người sản xuất phải tìm hiểu thị trường, bán cho ai, ở đâu, bán như thế nào và kế hoạch bán trong tháng, quý, năm ra làm sao. Nhưng hiện nay, đa phần người sản xuất ở nước ta lại làm ngược lại, tức là người dân cứ sản xuất rồi đẩy hàng hóa ra thị trường, còn hàng hóa bán được hay không lúc đó mới biết. Đây chính là nguyên nhân các cuộc giải cứu nông sản thời gian qua vẫn còn tiếp diễn.

Đồng tình với quan điểm này, GS, TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ của Việt Nam như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… tăng nhanh nhưng phân bố không đều. Cả nước hiện có 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố nhưng riêng 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã lần lượt chiếm 47% và 50% tổng số siêu thị và trung tâm thương mại cả nước. Còn thị trường nông thôn là địa bàn đầy tiềm năng và vẫn chưa được tận dụng tốt. Do đó để giữ vững thị phần bán lẻ trong nước, Việt Nam cần xây dựng chương trình tổng thể để phát triển chuỗi cung ứng khép kín. Cụ thể, gắn các kênh phân phối (bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu) với sản xuất, chế biến kèm theo là phát triển hệ thống dịch vụ logistics.

Với tình hình hiện nay, DN bán lẻ Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển kênh phân phối vào thị trường ngách, thị trường nông thôn bằng mô hình cửa hàng tiện lợi có khả năng phân bố rộng rãi, bám sát người tiêu dùng, len lỏi trong các khu dân cư. "Người phân phối là người nắm rõ nhu cầu của thị trường, chi phối lại quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi cung ứng chặt chẽ. Chính vì vậy, mô hình cửa hàng tiện lợi là lựa chọn hợp lý cho các DN có số vốn hạn chế nhưng muốn bao phủ thị trường. Tuy nhiên để hình thành một loạt chuỗi cung ứng, Nhà nước phải có quan tâm, định hướng tới DN mang tính chỉ huy, “đầu tàu”. Chính DN này quyết định thành công của ngành hàng hay sản phẩm”, PGS, TS Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh.

Theo Báo Quân đội

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang