Doanh nghiệp Việt chật vật tham gia chuỗi ngành hàng

Doanh nghiệp Việt chật vật tham gia chuỗi ngành hàng

Phần đông doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, giá cả sản phẩm để tham gia chuỗi cung ứng ngành hàng. Cho nên, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI thường mang theo các công ty cung ứng. Xu hướng này càng làm thu hẹp cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiến sâu vào các chuỗi cung ứng.

 


Trong xu thế xuất khẩu tăng trưởng, nhưng tỉ lệ tham gia đóng góp của các doanh nghiệp nội địa trong các ngành hàng còn thấp là điều vô cùng uổng phí. Dù rằng sự tiến triển trong tỉ lệ nội địa hoá vẫn đang diễn ra nhưng còn rất chậm chạp.

1524242-1532053654943105630915-49-0-611-1000-crop-15324872226612054625165.jpg

Trong hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu tổ chức hồi tháng 4/2018, theo thông tin chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu đang dần được cải thiện. 

Đơn cử như đến cuối năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã đạt trên 50%. Hoặc, theo thống kê của Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam (Lefaso), tỷ lệ nội địa hóa của ngành này cũng đạt khoảng 45%. 

Các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp hầu hết các loại đế giày, dây giày, cung cấp khoảng 50% nguyên phụ liệu sản xuất giày cấp trung và 20% cho giày cấp cao. Với xu hướng đầu tư hiện nay, đến năm 2030, Việt Nam có thể cung ứng tới 60% nguyên liệu thuộc da phục vụ sản xuất giày da, túi xách.

Song, bên cạnh hai ngành được đánh giá là có tỷ lệ nôi địa hóa khả quan thì các ngành nghề khác còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, ngành điện tử, cơ khí, dù triển vọng thị trường tốt cả ở trong nước lẫn xuất khẩu nhưng gần như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chen chân được vào. Giá trị xuất khẩu vẫn do khu vực doanh nghiệp FDI chiếm giữ, hơn 70%.

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban nhân dân và các sở, ngành Tp.HCM với hơn 30 doanh nghiệp của ngành cơ khí giữa tháng 7/2018, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện Tp.HCM cho biết, nhiều yếu tố gây khó và cản trở sự phát triển cho doanh nghiệp ngành cơ khí trong nhiều năm qua. 

Đơn cử như, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0%, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%. Vì thế giá thành một sản phẩm trong nước và nhập khẩu có sự chênh lệch nhau, làm kìm nén năng lực sản xuất sáng tạo của doanh nghiệp và giảm sức hấp dẫn của sản phẩm nội địa.

Thêm vào đó, một vấn đề mà đến nay vẫn chưa khắc phục được là, dù cho một trong những mục tiêu thu hút FDI là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội cải thiện năng lực thông qua tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. 

Các doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm của đơn vị đã có lịch sử làm đối tác. Đơn cử, Samsung hiện đang chuẩn bị đưa 200 doanh nghiệp cung ứng đầu tư vào Việt Nam thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa để phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình ở Việt Nam. Do vậy, việc tiếp cận được doanh nghiệp FDI đầu cuối với doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, nhiều ngành hàng đang có sức bứt phá mạnh trong xuất khẩu. Điểm sáng nhất là ngành điện tử. Cụ thể, trong 6 tháng 2018, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu đến 19,7 tỷ USD, tăng 14,3%. Năm 2017, nhóm hàng này đạt giá trị xuất khẩu là 25,94 tỷ USD, tăng đến 36,8% so với năm 2016. Tiếp đó, nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện cũng xuất khẩu đến 45,27 tỷ USD, tăng 31,9% so với năm trước. 

Song, điều đáng buồn là tỷ lệ nội địa trong các ngành này còn rất ít. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tham gia được khâu gia công, linh kiện thiết bị đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi tính từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ riêng hai nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác và nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đạt kim ngạch nhập khẩu 35,7 tỷ USD, chiếm đến 32,2% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước. 

Ngay đến ngành dệt may cũng vẫn chưa tháo gỡ được vấn đề nâng tỷ lệ sản xuất trong nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu vải cung ứng cho ngành may cũng tăng đến 14,2% so với cùng kỳ năm trước, đến 6,27 tỷ USD. Nguyên phụ liệu dệt may da giày cũng tăng 3,4% với kim ngạch nhập là 2,8 tỷ USD.

Tại hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam do VCCI tổ chức tại Tp.HCM ngày 20/7 vừa qua, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vị thế của kinh tế tư nhân đã dần khẳng định trong thời gian gần đây. 

Vai trò của kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp có tính quyết định tạo nên sự tăng trưởng đột phá cho nền kinh tế. Cho nên, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhưng việc "cởi trói" cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Như phân tích của các doanh nghiệp thấy rằng, năng lực sản xuất của họ còn hạn chế nhiều là do nội lực còn yếu nhưng các yếu tố bên ngoài chưa tạo được nhiều lực xúc tác. Không chỉ đói vốn, chi phí sản xuất cao, mà chính sách cũng là vấn đề tạo áp lực lớn với doanh nghiệp các ngành. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần tháo gỡ nhanh chóng những điểm nghẽn, thắt nút để giúp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi hơn. 

Theo VnEconomy 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang