Doanh số bán xe năm 2018 dự kiến hồi phục do tâm lý chờ đợi được “cởi trói”

Doanh số bán xe năm 2018 dự kiến hồi phục do tâm lý chờ đợi được “cởi trói”

Do không còn động lực để tiếp tục chờ đợi giá xe giảm sâu, sức mua năm 2018 sẽ phản ánh đúng hơn nhu cầu mua xe của người dân (với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm).

 

Ảnh minh họa internet

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ô tô đã vượt qua năm 2017 với sức mua ô tô giảm rõ rệt do người tiêu dùng chờ đợi những thay đổi về chính sách, trong đó đặc biệt là giảm thuế suất nhập khẩu ô tô ASEAN từ 30% về 0%. Cuộc chiến về hạ giá bán cũng khiến bức tranh toàn cảnh trở nên u ám hơn.

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa 2018, các doanh nghiệp ô tô đã có động thái kìm hãm giá bán và từ bỏ cuộc chiến giá nhằm ổn định tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cách chính sách mới về ô tô sẽ khiến giá thành của ô tô trở nên phù hợp hơn tại thị trường Việt Nam từ đó thúc đẩy tiêu thụ ô tô.

"Dư địa tăng trưởng ngành còn nhiều nếu nhìn vào sự cải thiện của thu nhập người dân và cơ sở hạ tầng, trong khi tỷ lệ sở hữu xe hơi vẫn còn thấp" - nhóm phân tích nhận định.

Mức sống của người Việt có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Theo Euromonitors, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2012 đến 2016 đã tăng trưởng mạnh với CAGR ~6,5%. Triển vọng tăng trưởng thu nhập đến năm 2020 vẫn khá lạc quan với CAGR ~4,3%.

Cơ sở hạ tầng cũng được dự báo sẽ hoàn thiện hơn trong những năm tới, song hành cùng tốc độ đô thị hóa cao. Bộ Xây dựng dự báo tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ước tính đạt 40% trong năm 2020, từ mức 36% năm 2016. Bên cạnh đó, việc các tuyến đường cao tốc được đẩy mạnh đưa vào sử dụng cũng là nhân tố giúp lưu thông bằng ô tô thuận tiện hơn. Theo dự báo của Bộ Giao thông vận tải, tổng số kilomet đường cao tốc được khai thác tại Việt Nam có thể lên đến 6411 km, tăng gần 8,6 lần so với hiện tại.

Trong khi đó, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe hơi ở mức thấp nhất, khi chỉ có 4% hộ gia đình có xe hơi (theo BMI). Nhìn sang một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này cao hơn nhiều (Thái Lan: 22%, Indonesia: 11%)

Những lý do trên khiến VDSC tin rằng ngành bán lẻ ô tô Việt Nam chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Mặc dù thuế nhập khẩu một số loại ôtô nguyên chiếc (CBU) có xuất xứ từ các nước nội khối đã giảm xuống mức 30% trong năm 2017 từ mức 40% trước đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), sức mua từ thị trường là khá thấp. Theo số liệu của VAMA, tổng sức mua ô tô trên thị trường giảm 10% so với năm 2016. Nguyên nhân chính do thuế nhập khẩu ô tô còn giảm tiếp về 0% vào năm 2018, khiến người mua xe phát sinh tâm lý chờ đợi.

Nhận định về giá bán ô tô, VDSC cho rằng dù không còn thuế nhập khẩu, giá xe khó có thể giảm sâu trong ngắn hạn như kỳ vọng của người tiêu dùng. Ô tô nhập khẩu vẫn đang đối mặt với các hàng rào phi thuế quan với Nghị định 116 là bước đi gần đây nhất của Chính phủ nhằm thắt chặt hoạt động nhập khẩu ô tô.

Nhìn chung, cho dù giá bán xe không giảm sâu như kỳ vọng người tiêu dùng, sức cầu năm 2018 được dự báo vẫn sẽ hồi phục, chủ yếu do tâm lý đã được “cởi trói”. Do không còn động lực để tiếp tục chờ đợi giá xe giảm sâu, sức mua năm 2018 sẽ phản ánh đúng hơn nhu cầu mua xe của người dân (với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm).

Theo Enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang