Yêu cầu bắt buộc
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có hơn 600 nghìn DN, trong đó hơn 90% là DN nhỏ và vừa, phần lớn đều sử dụng công nghệ lạc hậu so mức trung bình của thế giới. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam thường bị đánh giá thấp hơn trong những cuộc cọ xát diễn ra ngày càng nhiều hơn với DN nước ngoài. Như vậy, đối với bất kỳ DN nào, nếu không đổi mới công nghệ, chắc chắn sẽ tụt hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến khả năng bị đào thải cao.
Theo các chuyên gia, để đổi mới công nghệ đạt hiệu quả cao, các DN cần lưu ý các vấn đề sau. Thứ nhất, DN phải xác định được định hướng phát triển. Đây là yêu cầu rất quan trọng vì nếu không có định hướng phát triển rõ ràng, chỉ tập trung khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động,... sẽ dễ dàng dẫn tới giảm thị phần và từng bước bị đẩy lùi về phía sau. Thứ hai, cần cập nhật thường xuyên thông tin về công nghệ, nhất là những thành tựu mới nhất về công nghệ sản xuất, quản trị, kinh doanh. Thứ ba, có chính sách kích thích đổi mới sáng tạo trong DN, tạo môi trường thuận lợi để kích thích tư duy mạnh dạn thử nghiệm và phát triển các ý tưởng mới của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Cuối cùng, phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đáp ứng tốt yêu cầu thích ứng với các công nghệ mới.
Một số chuyên gia cũng gợi ý, sự bùng nổ của thương mại và giao dịch điện tử đang làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Theo một thống kê mới được công bố, hình thức thanh toán điện tử là lựa chọn hàng đầu của khách hàng trong độ tuổi từ 18 đến 35. Nghiên cứu cũng cho thấy, người tiêu dùng trẻ quan niệm thanh toán điện tử không chỉ tiện dụng mà còn là “thước đo” thể hiện “đẳng cấp” của người dùng và họ luôn sẵn sàng cập nhật hay cài đặt các ứng dụng công nghệ mới tiện ích đang liên tục ra mắt. Do đó, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ cần quan tâm, nắm bắt kịp xu hướng này để trở thành những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch điện tử như một phương thức giúp tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thời gian thanh toán, linh hoạt, tiện dụng và dễ dàng quản lý, triển khai.
Phát triển công nghệ hỗ trợ
DN vừa và nhỏ thường khó tiếp cận các giải pháp tích hợp giữa hoạt động quản lý kinh doanh, thanh toán và xuất hóa đơn điện tử. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều DN công nghệ trong nước đã nhanh chóng hướng sự tập trung vào mảng phát triển mới đầy triển vọng này. Đơn cử, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nghiên cứu và cung cấp ra thị trường gói dịch vụ tích hợp giữa hoạt động quản lý bán hàng, thanh toán có kết xuất hóa đơn điện tử, mang tên Giải pháp tích hợp VNPT POS và VNPT-Invoice. Dịch vụ VNPT POS được VNPT phát triển dành cho cửa hàng, chuỗi cửa hàng thời trang, cà-phê, siêu thị mi-ni..., tập trung vào tính năng quản lý hiện đại, tiện lợi, linh hoạt, giúp những chủ cửa hàng dù ở bất cứ đâu, sử dụng bất cứ thiết bị nào có kết nối in-tơ-nét, đều có thể quản lý một hoặc chuỗi cửa hàng theo quy trình khép kín từ quản lý danh mục cửa hàng, hàng hóa, việc lập đơn hàng tới nhà cung cấp, nhập kho và xuất kho hàng hóa đến việc bán hàng,... Được triển khai theo mô hình điện toán đám mây, VNPT POS cung cấp giải pháp quản lý chi tiết hàng hóa, dễ dàng tra cứu, kiểm kê hàng hóa khi có yêu cầu. Ứng dụng này đã và đang tối ưu hóa hoạt động và mang lại thành công cho rất nhiều mô hình kinh doanh vừa và nhỏ.
Trong khi đó, dịch vụ VNPT - Invoice là giải pháp cách mạng trong hoạt động hỗ trợ thanh toán, xuất hóa đơn như: tiết kiệm thời gian, lưu trữ hóa đơn và bảo đảm an toàn, phòng tránh rách rời, cháy nổ, mất mát như với hóa đơn giấy. Mặt khác, dịch vụ này còn là công cụ hữu hiệu giúp DN tiết kiệm chi phí vận hành, nhân công, nâng cao hiệu quả hoạt động. Có thể nói, gói giải pháp tích hợp dịch vụ quản lý DN/cửa hàng VNPT POS và Hóa đơn điện tử VNPT - Invoice sẽ là sự lựa chọn hợp lý cho các DN vì hoạt động quản lý kinh doanh được điện tử hóa, hỗ trợ thanh toán và khả năng xuất hóa đơn điện tử, từ đó nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây rõ ràng là yếu tố giúp tăng cường sức cạnh tranh cũng như đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho DN.
Theo ND