Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại

Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại

Xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của nước ngoài là một hướng đi mới đưa hàng Việt từng bước vươn ra thị trường thế giới thông qua hệ thống siêu thị trên toàn cầu của các tập đoàn lớn.


Vừa bán được hàng, vừa giúp quảng bá

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội, từ nay đến hết ngày 11/6, tại Trung tâm thương mại AEON LAKE TOWN diễn ra Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” thu hút 36 DN Hà Nội và 19 tỉnh, thành với 50 gian hàng trưng bày giới thiệu hàng dệt may, thời trang, da giày, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, trang trí, nông sản, thực phẩm chế biến, đặc sản của các vùng miền... được thị trường Nhật Bản quan tâm. Quan trọng hơn cả, hoạt động này còn giúp DN Việt Nam hiểu rõ thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản, kết nối với các đối tác bán lẻ Nhật Bản, qua đó đưa hàng Việt vào thị trường này thông qua hệ thống Trung tâm thương mại AEON Nhật Bản.
Đây không phải là lần đầu DN Việt Nam thông qua hội chợ lớn để đưa hàng Việt tới thị trường quốc tế. Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Czech), Coop và Conad (Ý), Aeon và Lotte ở châu Á… tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam, qua đó quảng bá hàng Việt và kết nối DN với hệ thống bán lẻ quốc tế. Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Hoạt động này đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon tăng từ 18,2 tỷ yen năm 2013 lên khoảng 23,4 tỷ yen năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu vào Lotte đạt 19,6 triệu USD năm 2014, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh, lên 30 triệu USD trong năm 2015.

Người tiêu dùng mua hàng Việt vào siêu thị Big C.

Ông Nishitoghe Yasuo - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết: Aeon Việt Nam đang hợp tác với hơn 1.600 DN cung cấp tại Việt Nam nên tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này chiếm khoảng 80%. Năm 2016, hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt. Với chuỗi hệ thống siêu thị Big C, mặc dù đã thuộc về DN Thái Lan nhưng vẫn xuất khẩu hàng Việt qua thị trường châu Âu với doanh số khoảng 25 triệu USD/năm.
Còn nhiều khó khăn
Dù có nhiều kết quả khả quan trong hoạt động xuất khẩu trực tiếp hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài nhưng thực tế cho thấy muốn đưa hàng Việt tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài đòi hỏi DN Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.
Là nhà phân phối trực tiếp nhiều sản phẩm hàng Việt tới người tiêu dùng Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị Lotte Mart, ông Hong Won Sik cho rằng, các khách hàng hiện rất quan tâm về giá và chất lượng sản phẩm. Để hàng Việt thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị Lotte các nhà cung cấp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt. Ngoài ra, DN Việt Nam cần khảo sát xu hướng thị trường tiềm năng là như thế nào và cân nhắc có nên xây dựng thương hiệu riêng không hay chỉ đưa hàng hóa vào siêu thị…
Một vấn đề quan trọng nữa khi đưa hàng vào hệ thống ngoại chính là chất lượng phải ổn định và bền vững, sau đó mới là giá cả. Thực tế cho thấy, sản phẩm Việt Nam mặc dù đã có thương hiệu lâu năm nhưng trong quá trình tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá, đảm bảo chất lượng. Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C chia sẻ: Để đưa hàng Việt tới người tiêu dùng Pháp, các nhà cung cấp Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Riêng đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố VSATTP phải rất được coi trọng. Đồng thời, DN cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng.
Phản ánh của các DN xuất khẩu cho thấy trong quá trình đưa hàng Việt qua chuỗi phân phối nước ngoài, DN vừa và nhỏ với số lượng vốn thấp chiếm tỷ lệ lớn, trong khi DN nước ngoài thường thanh toán chậm 30 - 45 ngày sau khi nhận hàng, điều này gây khó cho DN trong việc đảm bảo nguồn vốn quay vòng. Do đó, DN rất mong Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nghiên cứu giải pháp hỗ trợ tài chính cho DN trong quá trình xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

"Hoạt động đưa hàng vào các siêu thị ngoại không những mang lại hàng trăm triệu USD kim ngạch XK, hàng Việt còn được quảng bá tốt và tiếp cận nhanh chóng với người tiêu dùng tại các thị trường mới. Đáng chú ý, nhiều nhà phân phối dành sự quan tâm tới các mặt hàng đặc sản Việt Nam." - Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương

 

Theo KTĐT
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang