Gạo Việt nâng chất, tăng giá trị

Gạo Việt nâng chất, tăng giá trị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu (XK) gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Việc chuyển dần cơ cấu XK gạo từ phân khúc trung bình và thấp, sang phân khúc chất lượng cao giúp gạo Việt dần lấy lại vị thế của mình.


Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng XK gạo tháng 4/2018 ước đạt 670 nghìn tấn với giá trị đạt 341 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,16 triệu tấn và 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo XK bình quân 3 tháng đầu năm 2018 đạt 501 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 với thị phần 29,1%. 3 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 378 lần), Irắc (gấp 16,7 lần), Malaysia (gấp 3,3 lần), Bờ Biển Ngà (67,1%), Gana (57,4%), Hồng Kông (46,2%) và Singapore (24,6%).

7a491fbd245378f6856d724514090a02_XK_gYo.jpg

ảnh minh họa

Cũng theo Bộ NN&PTNT, tuần trước giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao tại cảng Sài Gòn tăng lên 445 – 450 USD/tấn (giá FOB), tăng 7 – 10 USD so với tuần trước nữa. Điều đáng nói là, nhu cầu mua hàng rất cao nhưng nguồn cung đang giảm dần. Trong khi giá gạo Việt Nam đang trên đà khởi sắc thì gạo của Thái Lan và Ấn Độ lại có xu hướng giảm. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần qua giảm 8 USD về 409 – 413 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok cũng giảm về 440 – 445 USD/tấn, giảm 5 – 9 USD so với tuần trước nữa.

Đáng chú ý, mới đây, việc Tổng thống Philippines quyết định bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp tư nhân mua nhiều gạo hơn để đảm bảo có đủ nguồn cung cho thị trường trong nước cũng được đánh giá sẽ tác động lớn đến thị trường lúa gạo khu vực trong thời gian tới. Với quyết định bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng có thể tránh được tình trạng thiếu hụt gạo trong nước. Thực tế, mới đây Philippines đã thất bại trong việc đàm phán mua 250.000 tấn gạo từ chính phủ Việt Nam và Thái Lan vì giá chào bán lần đầu cao hơn nhiều giá tham chiếu mà Philippines đưa ra. Theo đó, Thái Lan chào 530 USD/tấn cho 120.000 tấn gạo 25% tấm; Việt Nam chào 530 USD/tấn cho 50.000 tấn gạo 15% tấm và 521 USD/tấn cho 100.000 tấn gạo 25% tấm. Từ diễn biến của phiên đấu giá này cho thấy, gạo Việt Nam ít nhiều đã được nâng tầm so với gạo Thái Lan.

Đánh giá về sự khởi sắc của ngành gạo từ đầu năm đến nay, GS Võ Tòng Xuân – Chuyên gia nông nghiệp – nhận định, XK gạo khởi sắc vì nhu cầu của Philippines và Malaysia đang tăng và nguồn gạo họ hướng đến là những loại gạo có phẩm cấp trung bình, không phải loại gạo thơm nên Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu. Do nhu cầu thị trường lớn nên việc chúng ta đẩy giá lên cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Tại cuộc họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng khẳng định: Giá XK gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam được nâng cao. Trước đây, Việt Nam chủ yếu XK gạo thường như IR 50404, nhưng nay chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, Jasmine… Năm 2017, gạo chất lượng cao chiếm đến 81% trong cơ cấu XK. Dự báo thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới giảm, trong khi nhu cầu tăng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, năm 2018, Việt Nam có khả năng XK được 6,5 triệu tấn gạo, tăng 700.000 tấn so với năm qua. Để giữ vững giá trị gạo Việt Nam trong XK, cơ cấu gạo chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường không quá 20% trong XK. 

Theo Công Thương

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang