Hiện Nam Đàn có khoảng 250 hộ với trên 500 lao động sản xuất tương theo quy trình truyền thống với sản lượng trên 900 tấn, doanh thu bình quân khoảng 23 tỉ đồng/năm. Vào năm 2009, đã thành lập Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn. Tuy nhiên, điều trớ trêu là thương hiệu “Tương Nam Đàn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho Cty CP thủy sản Nghệ An, do doanh nghiệp này làm thủ tục xin cấp, còn người dân huyện Nam Đàn thì không.

Kết quả hình ảnh cho tương nam đàn

Ảnh Internet

Một điều tưởng như hiển nhiên là người dân Nam Đàn đã bỏ mồ hôi, công sức trong hàng trăm năm qua, thì thương hiệu độc quyền phải thuộc về họ, nhưng vì người dân không quan tâm thủ tục, nên đã bị rơi vào tay doanh nghiệp. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người dân. Tương tự, một “cuộc chiến” về thương hiệu “Rượu Bàu Đá” đã diễn ra từ nhiều năm trước, may mắn là chiến thắng đã thuộc về chủ nhân đích thực. Rượu Bàu Đá là sản phẩm truyền thống của làng Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) gần 200 năm qua. Vậy mà thương hiệu “Rượu Bàu Đá” lại do Cty TNHH thực phẩm Minh Anh ở tận Đà Nẵng nắm giữ, từ năm 2001. Mãi đến tháng 4.2011, sau nhiều lần kiến nghị, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” mới được trả về quê hương.

Trong hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, người nông dân Việt Nam đã tạo nên rất nhiều sản phẩm truyền thống, có chất lượng cao, có giá trị, được ưa chuộng, đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, đó chỉ là “thương hiệu” trên thực tế, chứ chưa được công nhận về mặt pháp lý. Người nông dân, với tư duy thiết thực, “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ chú trọng về chất lượng sản phẩm, mà không quan tâm về xây dựng thương hiệu, từ đăng ký, in nhãn mác, bao bì, logo… Họ cũng không am hiểu về pháp lý, để chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Vì vậy, một số doanh nghiệp cơ hội đã nhanh tay làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, gây thiệt thòi, bất bình cho chủ nhân đích thực. Cũng còn may, là các thương hiệu này được đăng ký bởi các doanh nghiệp trong nước. Trong thực tế, đã có một số thương hiệu nông sản nổi tiếng của VN bị DN nước ngoài “nẫng tay trên”, gây ồn ào một thời như càphê Trung Nguyên, hay nước mắm Phú Quốc. Hội nhập sâu và rộng như hiện tại, thương hiệu đã trở thành vấn đề sống còn, quyết định thành bại trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các văn bản, quy định liên quan cần phải được cập nhật theo hướng thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu một cách kịp thời, chính xác, khoa học; không chỉ trong phạm vi trong nước, mà là trên trường quốc tế. Cần sự chung tay của toàn xã hội, vận động, hỗ trợ người nông dân đăng ký các nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền. 

Theo Lao động

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang