Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh những cơ hội lớn về xuất khẩu và đầu tư, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, một thách thức lớn nằm ở chính bản chất của tăng trưởng xuất khẩu.
Thời gian qua, Việt Nam có sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng là nhờ việc loại bỏ được các rào cản thương mại bao gồm thuế quan và phi thuế quan. Điều này cho phép Việt Nam tận dụng triệt để đòn bẩy lợi thế so sánh về chi phí nhân công thấp.
|
Nâng cao chất lượng logistics thương mại sẽ cải thiện được tình hình xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Đinh Lê Hải Hà, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, từ năm 2016 trở đi, lợi thế về chi phí lao động của Việt Nam bắt đầu suy giảm trong khi năng suất lao động chậm được cải thiện. Bên cạnh đó, rất khó có thể thu thêm lợi ích từ việc loại bỏ các rào cản thông thường đối với thương mại như thuế quan, hạn chế số lượng và các hàng rào phi thuế quan…
“Với những thách thức trong tự do hóa thương mại sẽ tạo ít cơ hội hơn cho tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, khiến các chi phí liên quan tới logistics để tạo thuận lợi thương mại nổi lên như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, TS. Đinh Lê Hải Hà đánh giá.
Trong khi đó, logistics thương mại bao gồm nhiều dịch vụ và quy trình vận tải giữa các quốc gia như thủ tục hải quan và hành chính, tổ chức và vận tải biển quốc tế, theo dõi và tìm kiếm hàng hóa, chất lượng vận tải và cơ sở hạ tầng vận tải và thông tin.
“Các chi phí logistics thương mại, bao gồm cả vận chuyển, có tác động đến thương mại tương tự như thuế quan. Vì vậy, cắt giảm các chi phí này là một ưu tiên để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại. Những hạn chế trong logistics thương mại như hiện nay có thể trở thành một cản trở trong chiến lược tăng trưởng nhờ lợi thế cạnh tranh thương mại của Việt Nam”, TS. Đinh Lê Hải Hà chỉ rõ.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng logistics thương mại sẽ cải thiện được tình hình xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Bởi lẽ, cứ thêm 1 ngày hàng hóa phải chờ xuất khẩu, nhập khẩu thì thương mại sẽ giảm khoảng 4%.
Theo TS. Đinh Lê Hải Hà, để cải thiện logistics thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại Việt Nam, các cơ quan của Chính phủ cần chú trọng vào các nỗ lực chính sách, nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics của các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp có quy mô nhỏ.
Nâng cao hiệu quả đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và tăng cường sự liên kết giữa các hình thức vận tải khác nhau để hỗ trợ cho thương mại một cách có hiệu quả. Trong đó chú ý đến các trọng điểm phát triển, cửa ngõ và hành lang giao dịch quốc tế và sự phối hợp các hoạt động giữa các đầu mối này.
Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ cần tổ chức luồng thông tin hiệu quả và minh bạch hơn. Cơ quan hải quan và các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh của doanh nghiệp cần triển khai các nguyên tắc đơn giản hóa, hài hòa hóa và tiêu chuẩn hóa.
Cụ thể là, cần loại bỏ những yếu tố không cần thiết; những quy định và thủ tục trùng lặp tại trạm kiểm soát biên giới và phía sau biên giới; Bố trí các thủ tục quản lý và chứng từ theo công ước, tiêu chuẩn và phương pháp thực hành quốc tế./.
Theo VOV